CEO IPPG Lê Hồng Thủy Tiên cho biết, ASEAN là một trong những khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới với tổng GDP năm 2021 đạt 3,3 nghìn tỷ USD và nền kinh tế của châu Á cũng mang lại lợi ích thiết thực cho khoảng 680 triệu người.

Ba-Thuy-Tien

CEO IPPG Lê Hồng Thủy Tiên (bên phải) tại Diễn đàn tri thức thế giới 2022 được tổ chức tại Hàn Quốc mới đây.

Theo CEO Lê Hồng Thủy Tiên, có nhiều yếu tố để các doanh nghiệp ASEAN trở thành người chơi chủ chốt trong nền kinh tế thế giới như: Tận dụng sức mạnh của dữ liệu và công nghệ để giành chiến thắng trong nền kinh tế không biên giới; Tập trung vào phát triển các giải pháp mang tính bền vững và dẫn đầu quá trình chuyển đổi năng lượng; Mở rộng quy mô hoạt động thông qua tăng trưởng nội lực, liên minh và mua bán – sáp nhập; Đặt tốc độ và sự nhanh nhạy làm trọng tâm của doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp châu Á cần ứng xử phù hợp với quốc gia mà bạn cần tham gia bằng cách tham gia các luồng và mạng lưới của họ, cung cấp những gì ASEAN cần” CEO IPPG Lê Hồng Thủy Tiên chia sẻ.

Đánh giá về mối quan hệ đối tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam, bà Thủy Tiên cho rằng, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, với thương mại song phương đạt mức kỷ lục 80,7 tỷ USD vào năm 2021. Trong 7 tháng đầu năm 2022 Hàn Quốc đứng thứ 2 trong 72 quốc gia đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 3,3 tỷ USD.

Vào ngày 30/7/2022 trong cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Việt Nam, Đại sứ Hàn Quốc và đại diện của Hiệp hội Doanh nhân Hàn Quốc, các bên đều hướng đến việc kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ đạt 100 tỷ USD vào năm 2023.

“Tại Diễn đàn tri thức thế giới 2021 (World Knowledge Forum), CEO Lê Hồng Thủy Tiên được tôn vinh Giải thưởng Doanh nhân châu Á năm 2021. Giải thưởng được trao cho những nhà lãnh đao doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài ranh giới ASEAN. Đây là giai thưởng phi thương mại uy tín bậc nhất châu Á”.

“Như Thủ tướng Việt Nam đã nói, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường liên kết đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm của chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu” CEO IPPG dẫn phát biểu của Thủ tướng tại buổi đối thoại.

Bà Thủy Tiên cho rằng, nếu muốn làm “bạn thân” với cả ASEAN, Hàn Quốc cần thông hiểu văn hóa, hành vi kinh doanh, bộ máy hành chính, nhu cầu của người dân ASEAN. Ngược lại trao đổi chia sẻ kinh nghiệm của Hàn quốc trong việc hoạch định chiến lược từ nước đang phát triển trở thành nước phát triển như hiện nay.

Nói về việc áp dụng các nguyên tắc bình đẳng giới tại doanh nghiệp, bà Thủy Tiên cho biết, IPPG đã ký kết và triển khai việc thực hiện các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ của Liên hợp quốc, đồng thời, công bố nguyên tắc bình đẳng giới của tập đoàn đã được cam kết cao từ BOD và các cổ đông trong IPPG.

Bà khẳng định, cam kết lâu dài của IPPG là thực hiện nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ và đưa bình đẳng giới trở thành thông điệp mạnh mẽ cho nhân viên và tất cả các doanh nghiệp khác.

“IPPG coi nhân viên là tài sản quý giá, văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của sự phát triển, luôn có những cách làm sáng tạo để giúp nhân viên hạnh phúc, sáng tạo và cống hiến cho xã hội nhiều hơn, đây là tôn chỉ mà IPPG hướng tới”, CEO Lê Hồng Thủy Tiên nhấn mạnh.

Ngoài ra, CEO Lê Hồng Thuỷ Tiên cũng chia sẻ định hướng chiến lược xoay trục của IPPG hậu COVID-19 để trở thành một trong những tập đoàn phát triển, cân bằng giữa tốc độ tăng trưởng, đồng thời bảo vệ lợi nhuận sau đại dịch, và việc quyết định mở hãng hàng không IPP Air Cargo cũng như thành lập công ty Bellazio logistics để góp phần vào việc chuyên nghiệp hóa vận chuyển hàng hóa hàng không cho Việt Nam và cả khu vực cũng như góp phần vào việc ổn định chuỗi cung ứng của Việt Nam và thế giới.

“Sau mỗi cơn bão sẽ xuất hiện cầu vồng và việc bạn có chuẩn bị để thu hoạch sự may mắn của chiếc cầu vồng đó hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng hoạch định chiến lược của bạn về cách điều hướng cơn bão”, CEO IPPG Lê Hồng Thủy Tiên chia sẻ thêm.

Đình Đại