Áp lực huy động vốn đè nặng

Với những động thái gần đây, có thể nói, Chính phủ đang có động thái kiểm soát chặt tín dụng vào nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng, Luật sư. Lê Đình Vinh, Chủ tịch tập đoàn Everland, chia sẻ. Đây không phải câu chuyện mới, bởi tín dụng bất động sản từ nhiều năm nay luôn được đưa vào diện kiểm soát ở góc độ ngân hàng, thông qua room tín dụng, hệ số an toàn cho vay, kể cả tỷ trọng huy động vốn ngắn hạn cung cấp vốn dài hạn…

0-bs

Doanh nghiệp kêu khó huy động vốn trước nhiều áp lực đè nặng thị trường

“Năm nào cũng có câu chuyện đó, nhưng năm nay động thái siết chặt xảy ra đúng vào thời điểm cộng hưởng với nhiều yếu tố khác. Trong đó liên quan đến câu chuyện kiểm soát phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và thị trường chứng khoán có những vấn đề nóng, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Ngoài ra, chúng ta còn thắt chặt tín dụng sau một chu kỳ thị trường bất động sản có những biến động về giá theo chiều hướng tăng nóng.

Từ đó, buộc Chính phủ phải có những biện pháp mạnh tay hơn, dài hơi hơn, cộng với những yếu tố khác dẫn đến áp lực gia tăng cho các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, nhất là những doanh nghiệp có nhu cầu vốn thực, có dự án thực cũng đang bị ảnh hưởng chung”, ông Vinh nói.

Cũng theo ông Vinh thì khi vốn tín dụng bị siết hơn, thị trường chứng khoán cũng gặp khó, nên không dễ để có thể huy động vốn qua phát hành cổ phiếu. Đồng thời thị trường trái phiếu đang chững lại, minh chứng là cả tháng 4 không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Điều đó ảnh hưởng lớn đến thị trường nói chung và ảnh hưởng đến tâm lý của cả nhà đầu tư tài chính lẫn nhà đầu tư bất động sản. Nếu chúng ta giải quyết không khéo, sẽ dẫn tới hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của thị trường tài chính và của toàn nền kinh tế.

“Doanh nghiệp chúng tôi cũng đang ở giai đoạn chịu ảnh hưởng trong vòng xoáy mất phương hướng, nên rất khó để thể thực hiện việc huy động vốn. Chúng tôi đồng ý là phải có những động thái trong việc kiểm soát lại thị trường tài chính bao gồm chứng khoán, tín dụng, trái phiếu,… Nhưng có hai vấn đề lo ngại nhất đó là:

Một, đừng để thị trường đổ vỡ theo dây chuyền, vì bất động sản liên quan đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác.

Hai là, đừng làm suy sụp niềm tin của nhà đầu tư, với bất cứ thị trường nào thì niềm tin nhà đầu tư đều quan trọng, trước tâm lý lo ngại, nhìn vào thị trường nào cũng thấy khó thì không biết dòng vốn sẽ đi về đâu…”, Chủ tịch Everland bày tỏ.

Gỡ khó trên tầm nhìn dài hạn

Chia sẻ về các phương hướng, giải pháp cho thị trường tài chính nói chung và bất động sản nói riêng, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, tầm vóc của câu chuyện này rất lớn. Chúng ta nên đặt ra biên độ rộng hơn cho vấn đề, chứ không chỉ tháo gỡ trong ngắn hạn. Phải thấy rằng, cốt lõi của thị trường chứng khoán lâu nay vẫn là phồng lên xẹp xuống, gây ra nhiều bất ổn và vì thế nó mới tạo ra sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, mà cứ “chui” vào thị trường này là khả năng đầu cơ tăng lên, gây ảnh hưởng mạnh đến xã hội.

0-tin-du.ng

Thị trường bất động sản chỉ chiếm khoảng 20% tổng số dư nợ tín dụng, chứ không phải quá nhiều, con số này so với thế giới vẫn chưa có gì để gây đe dọa

Vị chuyên gia nói thêm, Chính phủ, các cơ quan quản lý phải nhìn nhận bối cảnh một cách tổng thể, đến những nguyên nhân mang tính tổ hợp, cộng hưởng lại và gây ra các sự cố như vừa qua.

Khoan nói đến tác động tới các doanh nghiệp, nguy cơ trước mắt là sự sụp đổ hệ thống ngân hàng cũng hiện hữu, vì lúc này nền kinh tế đang yếu, xu hướng nợ xấu tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, yếu tố tâm lý từ thị trường bất động sản lên xã hội rất mạnh, để chúng ta phải có những bàn thảo cẩn thận, tìm ra nguyên nhân cơ bản mới giải quyết được vấn đề một cách căn cơ.

“Khi kiểm điểm lại các vấn đề mới thấy, bất động sản là một trong những ngành đang rất yếu, dự án hầu như không có, thị trường bị nén chặt, trong khi lượng tài sản của đất nước “chôn” vào bất động sản quá lớn. Nếu không giải tỏa được thì nguy cơ sẽ tổn hại cho sự phát triển chung chứ không chỉ ảnh hưởng xấu đến khu vực doanh nghiệp.

Theo tôi, các cơ quan quản lý cần có quan điểm rõ ràng, chứ không phải chỉ chỉnh sửa sơ qua về cơ chế chính sách, vì càng chỉnh sửa càng rối. Việc bùng lên các rủi ro từ bất động sản đã bị nén từ lâu sẽ gây ra những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến ngân hàng, đến công ăn việc làm, xây dựng,… kéo thụt lùi cơ hội phát triển đất nước.

Nhưng ngược lại, từ những vấn đề nóng đó, cũng là cơ hội để rà soát lại các cơ chế theo một góc nhìn khác. Trong luật có khái niệm trái luật, lách luật, phạm luật, các khái niệm này là khác nhau, nhưng luật hở thì sẽ có người lách và từ đó giúp cho xã hội thấy được khe hở của pháp luật đã gây ra tổn hại như thế nào. Hai thị trường bậc cao nhất là chứng khoán và trái phiếu đang sơ hở rất nhiều, nên đã đến lúc phải hàn vá lại một cách nghiêm chỉnh ra sao”, PGS. TS. Trần Đình Thiên phân tích.

Vị PGS cũng nói thêm, thị trường bất động sản chỉ chiếm khoảng 20% tổng số dư nợ tín dụng, chứ không phải quá nhiều, con số này so với thế giới vẫn chưa có gì để gây đe dọa. Trong thị trường đó, phần nhà ở, giao dịch thông thường không có tính ảnh hưởng đến cấu trúc vốn chiếm khoảng 65-70%, còn lại kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 30-35%. Vậy người làm chính sách phải tính đến khối lượng và hiệu ứng dây chuyền trong khuôn khổ hệ thống. Có những vấn đề nhỏ nhưng dư luận xã hội lại rất ồn ào, nhiều ý kiến đánh giá và phản ứng thái quá dội vào thị trường, khuếch đại thông tin lên thì phải kiểm soát để tác động đến hành vi chính sách một cách hợp lý.

“Còn nếu diễn dịch chính sách theo tinh thần dư luận, làm thị trường cảm thấy mất an toàn, nhất là trong lúc đang kiểm tra kiểm điểm thì sẽ rất bất lợi. Cho nên, phải phân tích từ cấu trúc thị trường, tình thế và nhấn mạnh về nguyên tắc “bình tĩnh”. Thị trường bất động sản phải được xem như một trong những yếu tố có tác động rất mạnh đến khả năng phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, nếu không, sự ổn định vĩ mô trong 6 – 7 năm qua, cùng với tăng trưởng đang khôi phục lại vì những câu chuyện bên trong – bên ngoài bóp méo là không đúng với tinh thần quản lý”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Diễm Ngọc