Phân nhóm để giải quyết

Theo đó, Sở TN&MT sẽ chia các dự án thành 6 nhóm với lộ trình cụ thể. Với nhóm 1 gồm 47 dự án với 8.159 căn nhà chưa cấp giấy chứng nhận không có vướng mắc về mặt pháp lý, chỉ chờ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Trong tháng 5, Sở sẽ tổ chức buổi làm việc trực tiếp với Cục Thuế TP HCM, Chi Cục Thuế các quận, huyện, TP. Thủ Đức và các doanh nghiệp dự án để đôn đốc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Chậm trễ cấp sổ hồng là tình trạng nan giải nhiều năm ở TP HCM

Báo cáo các nguyên nhân chậm trễ và đề ra biện pháp, phương hướng giải quyết trong tháng 6/2023 và cấp giấy chứng nhận ngay sau khi có thông báo hoàn thành nghĩa vụ tài chính của cơ quan thuế.

Nhóm thứ 2 gồm 30.061 căn gặp vướng mắc do dự án chậm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận, Sở sẽ tổ chức làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm đôn đốc thực hiện việc nộp hồ sơ. Đối với các đơn vị “chây ì”, không nộp hồ sơ mà không có lý do chính đáng, kiên quyết xử phạt, đồng thời công bố danh sách các đơn vị này trên Cổng thông tin điện tử của Sở để người dân, doanh nghiệp được biết. Thời gian tổ chức làm việc trực tiếp là trong quý III/2023.

Nhóm thứ 3 gồm 29 dự án với 10.019 căn vướng mắc về loại hình bất động sản mới sẽ được Sở tổ chức buổi tập huấn với sự tham gia của Bộ TTN&MT với vai trò báo cáo viên để hướng dẫn liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận cho các loại hình này. Thời gian tổ chức buổi tập huấn bắt đầu từ ngày 20 – 31/5/2023; thực hiện việc cấp giấy chứng nhận trong quý III/2023.

Nhóm 4 là đối với 39 dự án với 19.958 căn chưa cấp giấy chứng nhận do phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung. Trong đó, 23/39 dự án đang được các đơn vị tư vấn thực hiện thẩm định giá, sau khi nhận được chứng thư thẩm định giá của đơn vị tư vấn, khẩn trương thực hiện tổng hợp trình Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố xem xét, thẩm định.

16/39 dự án còn vướng mắc thực hiện nghiên cứu nhằm xác định những khó khăn, để đề ra biện pháp giải quyết phù hợp, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thời gian thực hiện từ quý II đến quý IV/2023.

Nhóm 5 gồm 18 dự án với 8.235 căn chưa cấp giấy chứng nhận do đang thanh tra, kiểm tra, điều tra. Sở sẽ có văn bản trao đổi với cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra về khả năng tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận đối với từng dự án cụ thể. Thời gian thực hiện từ quý II đến hết quý III/2023.

Cuối cùng, với dự án có 4.653 căn chưa cấp giấy chứng nhận do các vướng măc khác. Sở sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ những nội dung vướng mắc này, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thời gian thực hiện từ quý II đến quý III/2023.

Doanh nghiệp và người dân chờ đợi

Cho đến hiện tại, hàng chục nghìn căn hộ tại TP HCM vẫn mòn mỏi chờ sổ hồng, một trong những nguyên nhân chính là hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết.

Câu chuyện tắc sổ hồng khiến cả người dân và chủ đầu tư “đau đầu”

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp bất động sản TP HCM, khâu tính tiền sử dụng đất trở thành “nỗi ám ảnh” của chủ đầu tư mỗi khi dự án phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch kiến trúc. Bởi dù doanh nghiệp thực hiện đúng nội dung điều chỉnh, nhưng lại không có cơ quan có thẩm quyền nào chịu trách nhiệm để xác định doanh nghiệp có phải đóng tiền sử dụng đất hay không.

Trong khi đó, phỏng vấn ý kiến của người dân ở các chung cư hiện đang bị om sổ hồng do chủ đầu tư chưa thể đóng tiền sử dụng đất, nhiều ý kiến cho rằng việc định giá đất, xác định tiền sử dụng đất mà chủ đầu tư phải nộp là việc riêng giữa chính quyền và chủ đầu tư, không liên quan đến người mua căn hộ. Người mua căn hộ đang chính là những người gánh chịu hệ quả sau những “ách tắc” giữa doanh nghiệp và nhà nước.

Không chỉ tắc sổ hồng, trường hợp như tại dự án Khu chung cư cao tầng đại lộ Võ Văn Kiệt (tên thương mại High Intela) và Khu chung cư cao tầng tại đường An Dương Vương (West Intela), quận 8, của LDG Group thậm chí còn không thể triển khai 3 năm qua vì doanh nghiệp vẫn không thể đóng tiền sử dụng đất do đang chờ cơ quan chức năng thẩm định giá đất.

Khoảng thời gian chờ đợi này đồng nghĩa với việc dự án không thể tiếp tục triển khai dù đã hoàn thành xong phần ngầm, kéo theo rất nhiều “hệ lụy” cho doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, để tháo gỡ khó khăn trong việc nộp tiền sử dụng đất cần phải tìm được tiếng nói chung của doanh nghiệp và chính quyền về quy trình nộp tiền sử dụng đất dự án. Đặc biệt, thành phố cần lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp và sớm có hướng giải quyết để doanh nghiệp yên tâm triển khai, đảm bảo quyền lợi của các bên.

Trong giai đoạn từ tháng 5/2023 đến cuối tháng 10/2023, Sở TN&MT sẽ trình Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố 23/39 dự án. Đề ra được biện pháp, phương hướng giải quyết đối với 16/39 dự án còn lại.

Diệu Hoa