Thủ tướng yêu cầu cập nhật kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội năm nay trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Dịch COVID-19 tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia, đối tác và kinh tế toàn cầu.
Theo báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, thế giới ghi nhận thêm 1.934 người mắc bệnh, 100 người tử vong so với mức 69.289 người mắc bệnh và 1.670 người tử vong được thống kê ở thời điểm 22 giờ, ngày 16/2.
Cũng tính từ thời điểm 22 giờ, ngày 16/2 đến 6 giờ sáng 17/2, riêng Trung Quốc đại lục có thêm 1.933 người mắc bệnh ở 31 tỉnh thành, tăng từ mức 68.509 người lên 70.442 người mắc bệnh.
Số người tử vong tại Trung Quốc đại lục tính đến 6 giờ sáng 17/2 là 1.765 người.
Số người nghi nhiễm tại Trung Quốc đại lục là 8.228 người, số người hồi phục xuất viện là 10.435 người.
Trong ngày hôm qua, Đài Loan (Trung Quốc) xác nhận trường hợp đầu tiên tử vong do COVID-19 là một bệnh nhân nam hơn 60 tuổi, có bệnh tiểu đường và viêm gan siêu vi B. Bệnh nhân này chưa từng đi khỏi Đài Loan (Trung Quốc) trong thời gian gần đây.
Con số cụ thể về số ca tử vong bên ngoài Trung Quốc đại lục là 5 người.
Tại Việt Nam, tính đến 17 giờ 30 phút ngày 16/2, không có ca dương tính mới COVID-19, vẫn ở mức 16 người mắc bệnh. Số trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch) là 61 người, đang được tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng.
Việt Nam có đường biên giới dài, có quan hệ kinh tế – thương mại lớn với Trung Quốc, độ mở của nền kinh tế lớn, nên dịch COVID-19 tác động, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta.
Do đó, đòi hỏi phải kịp thời có những giải pháp, biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả để ứng phó cả trước mắt và lâu dài.
Trước tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ, ngành cập nhật kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020.
Chỉ đạo của Thủ tướng nêu rõ: Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng kiểm soát tốt, tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhưng phải bình tĩnh, không hoang mang lo lắng.
Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, tất cả vì sức khỏe, an toàn của nhân dân; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương mình, chủ động ứng phó hiệu quả và có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch COVID-19, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng, thiệt hại; chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội để ứng phó với diễn biến của dịch COVID-19.
Thủ tướng lưu ý, phải đánh giá diễn biến và tác động, ảnh hưởng trên các lĩnh vực của dịch COVID-19; các giải pháp để kiểm soát tình hình, hạn chế lây lan, phát tán dịch COVID-19, bảo đảm an toàn cho người dân; cập nhật, rà soát, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng theo các diễn biến tình hình dịch.
Riêng với kịch bản tăng trưởng GDP theo chỉ tiêu đã đề ra (6,8%) cần xác định rõ các mức phấn đấu cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực trong mỗi Quý và có những giải pháp, đối sách kịp thời, hiệu quả để thực hiện.
Thủ tướng cũng yêu cầu có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa, mở rộng thị trường quốc tế, tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, lập phương án để kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất; thúc đẩy sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng; kiểm soát tốt thị trường, giá cả, nhất là mặt hàng thịt lợn và các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá. Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; xử lý nghiêm các vi phạm.
Đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó có du lịch, dịch vụ như miễn visa du lịch, kéo dài thời hạn visa, giảm lệ phí visa, chi phí logistic… để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí, giảm chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 và diễn biến thị trường, bảo đảm tín dụng phục vụ nhu cầu vay vốn cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; có chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; rà soát tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời.
Khẩn trương đề xuất hình thức đầu tư phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Bắc – Nam, nghiên cứu phương án báo cáo Quốc hội để điều chỉnh hình thức đầu tư từ hình thức đối tác công tư sang đầu tư công, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Ổn định, giữ vững và phát triển các quan hệ đối ngoại, chuẩn bị và tổ chức tốt các sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước trong năm 2020. Thực hiện hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tạo niềm tin trong nhân dân vào chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành trong kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế- xã hội.
Theo DĐDN