Việc ưu tiên chỉ định thầu cho một vài doanh nghiệp có thể tạo sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác…

Theo dự kiến, 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ được Chính phủ trình Quốc hội chuyển đổi từ việc kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT (Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao) sang đầu tư công vào kỳ họp tới đây. Tuy nhiên, đi cùng với chuyển đổi sang đầu tư công, Bộ KHĐT lại đề xuất với Chính phủ cho phép chỉ định để chọn nhà thầu.

Đại diện Bộ GTVT cho rằng, nếu Quốc hội thông qua nghị quyết cho phép các dự án nêu trên được chuyển từ BOT sang đầu tư công, Bộ GTVT sẽ kiến nghị đấu thầu.

Nhiều dự án chỉ định thầu chậm tiến độ

Theo Bộ KH-ĐT, chỉ định thầu theo nguyên tắc chọn nhà thầu có năng lực tài chính, máy móc, thi công, nhân lực và kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự để đảm bảo chất lượng công trình cũng như tiến độ thi công, ưu tiên giao cho các doanh nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng thực hiện. Trong chỉ định thầu cần tiết kiệm từ 5-7% so với dự toán được phê duyệt cho gói thầu chỉ định và nghiên cứu xây dựng cơ chế thưởng, phạt rõ ràng với các nhà thầu được chọn.

Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Chỉ định thầu thì không có cạnh tranh nên rất khó chọn được nhà thầu có năng lực tốt nhất kể cả về tài chính, dễ chậm tiến độ, giảm hiệu quả, khó đảm bảo chất lượng công trình cũng như dẫn đến cơ chế xin – cho.

Như dự án tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu được chỉ định thầu bị chậm tiến độ (gói thầu thi công nạo vét, đào mới kênh tắt và bờ kè bảo vệ), Bộ Giao thông Vận tải phải cắt bớt khối lượng công việc của nhà thầu được chỉ định và giao cho nhà thầu khác thực hiện.

Hàng loạt dự án giao thông được chỉ định thầu, mới làm xong đã hư hỏng nặng. Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có vốn đầu tư hơn 34 ngàn tỷ đồng, đưa vào sử dụng chỉ một tháng đã xuất hiện chi chít ổ gà. Quốc lộ 1 chạy qua Phú Yên làm xong khai thác chưa lâu đã lõm nhiều chỗ. Cầu Bạch Đằng nối Quảng Ninh – Hải Phòng đầu tư 7.000 tỉ đồng vừa thông xe đã lún. Rất nhiều dự án khác được chỉ định thầu, thi công kém chất lượng.

Chậm tiến độ dễ thấy nhất là dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 đã nhiều lần lỡ hẹn, dù được triển khai từ năm 2017. Đến nay, cũng chỉ mới lắp đặt xong 40/44 trạm, còn 4 trạm trên các tuyến cao tốc chưa thực hiện được. Nhiều nguyên nhân chậm trễ, hẳn có nguyên nhân chỉ định thầu.

Trước đó, dù nhận được sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư có tên tuổi lớn xin tham gia, Bộ GTVT vẫn chỉ định liên danh Tasco – VETC làm nhà thầu dự án thu phí không dừng này theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh).

Phải công khai để cạnh tranh công bằng

Đấu thầu nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch còn là giải pháp hạn chế tiêu cực gây thất thoát và lãng phí tài sản công. Luật Đấu thầu kiểm soát chặt chẽ các trường hợp cho phép chỉ định thầu, Nhưng, đó chỉ là chặt chẽ trên giấy tờ trong Luật.

Thời gian qua có nhiều dự án đầu tư bằng tài sản nhà nước có giá trị từ hàng chục đến hàng trăm và hàng ngàn tỷ đồng vẫn được chỉ định thầu với những lý do viện dẫn thường thấy là vì tính chất “cấp bách” theo quy định để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Chỉ định thầu trong trường hợp “cấp bách” theo quy định trong Luật Đấu thầu 2013 (Điểm a, Khoản 1, Điều 22) có nêu cụ thể mục đích nội dung cũng như tình huống áp dụng là:  (1) “Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng. (2) Gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề. (3) Gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách…”.

Như vậy, nếu lấy lý do “cấp bách” kịp tiến độ mà “phá rào” để chỉ định thầu dự án giao thông có quy mô lớn là chưa đúng quy định Luật đấu thầu 2013. Bởi những loại “cấp bách” như thế này có thể dễ dàng nhìn thấy nhan nhản ở hầu hết các địa phương và bộ ngành, khác rất xa so với tính chất “cấp bách” được nêu trong Luật Đấu thầu 2013.

Nếu cứ như tiếp tục viện dẫn lý do “cấp bách” để kịp tiến độ dự án mà áp dụng chỉ định thầu tràn lan, hậu quả sẽ khó lường, lãng phí, kém hiệu quả. Chưa kể cái mất lớn hơn là niềm tin trong nền kinh tế thị trường lại thiếu sự cạnh tranh, “tiếp sức” cho sự lạm dụng cơ hội chỉ định thầu, những nhà thầu có năng lực mất cơ hội nhận dự án qua đấu thầu. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh, cần tạo cơ hội bình đẳng cho các thành phần kinh tế.

Nên rút kinh nghiệm từ các dự án “tai tiếng”, kém hiệu quả bởi chỉ định thầu. Dự án có quy mô càng lớn với vốn đầu tư càng cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phải hết sức thận trọng lựa chọn nhà thầu sao cho có năng lực tốt nhất để đảm bảo thành công cho dự án. Không gì khác là minh bạch, công khai, tạo tiêu chí cạnh tranh công bằng. Đó là tổ chức đấu thầu rộng rãi, thu hút nhiều đối tác tham gia để so sánh đánh giá rồi lựa chọn.

Thực tế cho thấy, giữa chỉ định thầu và đấu thầu rút ngắn thời gian không đáng kể. Điển hình theo tính toán của Bộ GTVT trong tổ chức thực hiện 3 dự án đầu tư công cao tốc trước đó, thời gian kể từ thời điểm lập hồ sơ mời thầu đến phê duyệt kết quả đấu thầu mất khoảng 3,5 tháng, nhưng nếu chỉ định thầu thì mất khoảng 2,5 tháng. Như vậy, chỉ chênh lệch khoảng 1 tháng nếu áp dụng hình thức chỉ định thầu so với tổ chức đấu thầu rộng rãi.

Dự án cao tốc Bắc – Nam được nhiều nhà thầu trong nước quan tâm, kể cả lúc tổ chức sơ tuyển đấu thầu quốc tế đã có 15 bộ hồ sơ của các nhà thầu có tên tuổi, kinh nghiệm và năng lực đã tham gia như Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Đèo Cả, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty Cổ phần Tasco, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phương Thành, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Thắng… Ngoài ra, còn rất nhiều nhà thầu khác có khả năng tài chính chưa tham gia như Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Hạ tầng, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam và hàng loạt Tập đoàn nổi tiếng Vingroup, Sun Group, Xuân Thành…. Nếu các nhà thầu này tham gia, chắc chẳn dự án không thiếu vốn.

Thiết nghĩ, 8 dự án cao tốc Bắc Nam có rất nhiều gói thầu xây lắp, các đoạn tuyến quan trọng có yếu tố an ninh quốc phòng có thể áp dụng chỉ định thầu cho doanh nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng. Đoạn tuyến còn lại, nên áp dụng đấu thầu rộng rãi để tạo cơ hội cạnh tranh công bằng, chọn nhà thầu có năng lực tốt nhất, thay vì chỉ định thầu tất cả. Hơn nữa, dự án đang vướng giải phóng mặt bằng, khâu này thường mất nhiều thời gian.