AI sẽ trở thành phương thức chính thức để khách hàng tương tác với các doanh nghiệp, đặc biệt là ngân hàng.
Đây là nhận định của các chuyên gia trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 (AI4VN 2022), với các chủ đề về “Giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng”, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Xu hướng AI cho mọi lĩnh vực
Chia sẻ về giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Giải pháp doanh nghiệp, Trung tâm Không gian mạng Viettel dẫn báo cáo của Accenture công bố mới đây cho thấy, hơn 60% công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có đang thử nghiệm AI. Ngoài ra, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác cũng đều tìm đến AI với phong thái thăm dò, thử nghiệm, trong đó, chỉ 12% sử dụng ở mức độ trưởng thành (ứng dụng bề mặt).
Đặc biệt, các doanh nghiệp này đã có mức doanh thu cao hơn 50% so với các đối thủ cạnh tranh nhờ ứng dụng AI.
Ông Phạm Quang Vinh cũng đưa ra dữ liệu và nhìn nhận doanh thu của các doanh nghiệp ứng dụng AI trong ngành tài chính ngân hàng tăng trưởng rõ nét từ năm 2019. Một số ngân hàng quốc tế và Việt Nam ứng dụng AI như: JP Morgan, Tokyo, ING, TP Bank, MB Bank… Trong 3 năm tới, giá trị AI tăng gần gấp đôi so với 2022.
Trao đổi về mối liên hệ giữa AI và tự động hóa trong sản xuất, TS. Đỗ Mạnh Cường, Phó Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, tự động hoá là chìa khoá để ngành sản xuất tăng tốc tạo ra nhiều sản phẩm với cùng một mức đầu tư. Hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn 3 của tự động hóa, là ứng dụng các công nghệ số gồm: Hoạt động dựa vào dữ liệu và kết nối tốc độ cao; tự động hoá thông minh dựa vào AI; sự kết hợp của OT và IT; tự ra quyết định/tự động hoá tiến tới tự chủ hoá.
Trên thế giới, đặc biệt là những tập đoàn lớn sử dụng dữ liệu, trí tuệ nhân tạo để tạo giá trị gia tăng, giúp doanh nghiệp giảm tổn thất, rủi ro, kéo dài hiệu quả đầu tư. Cùng với đó “AI là con đường Việt Nam phải đi theo nếu không muốn bị loại ra khỏi cuộc chơi của toàn cầu.
“Dự báo đến năm 2025, thị trường AI có khoảng 20 tỷ USD, đó là thị trường tiềm năng cho Việt Nam”, ông Cường nói.
Lựa chọn khôn khéo
Nói đến nhân lực phát triển cho AI tại Việt Nam, ông Anissh Pandey, Giám đốc NVIDIA khu vực Asean cho rằng, trong đào tạo AI, cơ sở hạ tầng, dữ liệu và nhân tài là quan trọng nhất. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển đào tạo AI. Tuy nhiên, khoảng cách giữa phát triển AI ở Việt Nam và đào tạo AI vẫn còn khá lớn, việc đào tạo nhân tài trong lĩnh vực AI còn chưa bắt kịp.
Việt Nam là quốc gia phát triển AI hàng đầu ở khu vực, tuy nhiên cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc khó thu hút nhân tài. Trong khi đó, các quốc gia khác như Singapore hay Thái Lan là những nước nằm trong 20 nước phát triển AI hàng đầu đều tập trung phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, thu hút nhân tài AI. ông Anissh Pandey nhấn mạnh.
Điểm mấu chốt trong quy trình ứng dụng AI là khi mang công nghệ tới các doanh nghiệp, làm sao phải chọn quy trình nghiệp vụ phù hợp, có bước ứng dụng AI an toàn.
Theo ông Đặng Hoàng Vũ, Giám đốc AI mảng Tăng trưởng kinh doanh của MoMo cho biết, MoMo sử dụng AI để tối ưu những vận hành nội bộ của công ty và app Momo, đánh giá tiềm năng khách hàng, dự đoán hành vi của khách hàng trên App. Kết quả MoMo đạt được một số thành công nhất định khi áp dụng AI, khách hàng sử dụng liên tục tăng như: Tỉ lệ click tăng 16%; thời gian trung bình từ lúc người dùng tìm kiếm đến khi click giảm 7% thời gian; số lượng lịch vụ trung bình được mỗi người dùng khám phá qua màn hình tăng 15%…
Lê Tuấn