Trước những cảnh bảo phát triển nóng đầu mối xăng dầu, PGS TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra những lý do cho thấy khuyến cáo của Bộ Tài chính và Bộ Công an là có cơ sở.
Góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính và Bộ Công an đều cảnh báo về nguy cơ phát triển nóng số lượng đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu và đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, có quy định kiểm soát số lượng các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Thống kê cho thấy, khi Bộ Công Thương phân bổ hạn mức kinh doanh xăng dầu nhập khẩu năm 2012, danh sách chỉ có 13 doanh nghiệp đầu mối. Tới năm 2014, con số tăng lên 18 đầu mối, năm 2015 là 19 đầu mối. Tại thời điểm tháng 8/2019, con số doanh nghiệp đầu mối được ghi nhận là 32 doanh nghiệp và hơn 1 năm sau, theo danh sách các thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đăng trên website của Bộ Công Thương, con số này đã lên tới 38.
Theo ông Thịnh, Việt Nam đang đi theo nền kinh tế thị trường nên việc mở rộng đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo cạnh tranh tự do, công bằng, bình đẳng trên thị trường là một trong những đòi hỏi cấp thiết.
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp này có thể cạnh tranh công bằng, bình đẳng mà không gây nên sự xáo trộn một cách đáng kể do một số thương nhân có thể dùng biện pháp giá hoặc thủ thuật không minh bạch trong quá trình đàm phán để kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu thì phải có biện pháp quản lý của Nhà nước. Bởi xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, yêu cầu cao về độ an toàn trong vận chuyển và kinh doanh nên Nhà nước đòi hỏi những doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu phải có những điều kiện nhất định.
Đỗ Huyền