Có thể thấy, dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đang ngày một diễn biến khó lường khi nhiều quốc gia đã nâng mức cảnh báo lên cao nhất trong những ngày qua.
Với việc số ca nhiễm mới và các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ngày càng tăng, Tổ chức y tế Thế giới đã nâng mức rủi ro toàn cầu từ virus Corona chủng mới lên mức “rất cao” ở cấp độ toàn cầu.
Theo đó, COVID-19 có thể lan ra khắp thế giới trong tháng 3, 4, 5, và quay trở lại sau đó 3 tháng do không được bảo vệ bởi miễn dịch sau lần lây nhiễm đầu.
Dịch bệnh sẽ tiếp tục tuần hoàn trong nhiều năm cho tới khi chúng ta tìm ra công nghệ để kiểm soát và ngăn ngừa được sự lây lan.
Tiến sĩ Mike Ryan – người đứng đầu chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO lý giải “rất cao” là mức đánh giá cao nhất về nguy cơ lây nhiễm và tác động của dịch.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho biết thêm, WHO không định làm mọi người hoảng sợ. Đây là sự kiểm tra thực tế đối với từng chính phủ trên hành tinh này: “Hãy thức tỉnh. Hãy sẵn sàng. Virus này có thể đang trên đường tới và các bạn cần sẵn sàng. Các quốc gia cần có nghĩa vụ với công dân của mình”.
Đồng thời, các chuyên gia của WHO cũng cảnh báo kháng thể ở người bình phục chưa đủ mạnh hoặc tồn tại không lâu để giúp họ miễn nhiễm virus trong những lần tiếp xúc sau, tương tự như các chủng virus corona trước đây.
Sự xuất hiện của những ca tái nhiễm chứng tỏ một số người có thể không phát triển miễn dịch tự nhiên. Khả năng tái nhiễm có thể gây khó khăn cho công tác sản xuất vaccine hiệu quả.
Chính vì vậy, các chuyên gia nhận định, các quốc gia cần theo dõi chặt chẽ hơn nữa các trường hợp đã được chữa khỏi để ngăn ngừa tình trạng tái nhiễm.
Việc chưa xuất hiện bằng chứng cho thấy virus đang lây lan tự do trong cộng đồng, thế giới vẫn có cơ hội kiểm soát chủng virus này bằng cách phá vỡ chuỗi lây lan thông qua việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng.
Cho đến thời điểm hiện tại, hơn 20 loại vaccine đang được phát triển trên toàn cầu và một số phương pháp điều trị đã được thử nghiệm lâm sàng với kết quả dự kiến công bố trong một vài tuần tới.
Theo thống kê, hiện đã có thêm 5 quốc gia ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, tất cả đều từng qua Ý. Đó là Nigeria, Estonia, Đan Mạch, Hà Lan và Litva. Mexico và Azerbaijan là hai quốc gia mới nhất ghi nhận có người nhiễm bệnh COVID-19 ngày 28/2. Trong đó bệnh nhân số 1 tại Mexico là người vừa trở về từ Ý.
Các ca nhiễm ở quốc gia khác ngoài Trung Quốc hiện chiếm khoảng 3/4 số ca nhiễm mới. Đáng lo ngại, số người nhiễm COVID-19 được xác nhận tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Tính đến 17h chiều ngày 28/2, giới chức Hàn Quốc đã xác nhận thêm 571 ca nhiễm mới trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này lên gần 2.400 người. Đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp Hàn Quốc vượt Trung Quốc về số ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày.
Trước những diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc, 58 quốc gia đã ban bố lệnh hạn chế nhập cảnh đối với các công dân Hàn Quốc và người nước ngoài từng đến Hàn Quốc trong vòng 1 tuần qua. Các lệnh hạn chế bao gồm cấm nhập cảnh hoặc siết chặt các biện pháp kiểm dịch tại sân bay.
Tương tự, Iran thông báo ghi nhận gần 400 ca nhiễm nCoV và 34 ca tử vong, 64 tỉnh đã xuất hiện dịch Covid-19 tính đến ngày 28/2.
Iran đang bị xem là mối đe dọa toàn cầu khi nhiều ca nhiễm tại các nước láng giềng và cả Canada có nguồn gốc từ quốc gia Trung Đông này.
Không chỉ Hàn Quốc và Iran, một số quốc gia cũng đưa cả Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Italy cũng bị đưa vào danh sách siết chặt kiểm dịch COVID-19 trên thế giới.