Điểm yếu của vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm ĐBSCL là chi phí logistics quá lớn. Do đó nhu cầu “mở đường” cho tàu lớn vào ăn hàng để giảm chi phí nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản là nhu cầu cấp bách.

CửaTrần Đề được xem là nơi thích hợp nhất để phát triển cả nước sâu cho vùng ĐBSCL.

Mở đường ra biển là nhu cầu cấp bách

“ĐBSCL là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm lớn nhất nước, mỗi năm vùng này đóng góp 90% gạo, 65% thủy sản, 70% trái cây cho xuất khẩu với tổng sản lượng trên 13 triệu tấn, nhập khẩu trên 10 triệu tấn thức ăn gia súc, phân bón và nhiều máy móc, thiết bị. Điều bất cập hiện nay là với đặc thù sông ngòi, kênh rạch chằng chịch, đường thủy được xem là phương thức vận tải có nhiều ưu thế nhưng các tuyến kênh kết nối liên vùng chưa được quan tâm đầu tư. Vận tải biển ách tắc vì luồng cạn, thiếu dịch vụ logistics nên hơn 96% gạo, thủy sản, 40% rau củ quả của vùng phải vận chuyển bằng đường bộ nên chi phí đắc gấp đôi các quốc gia trong khu vực”, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội dịch vụ logistics Việt Nam phân tích.

ĐBSCL có 9 cửa sông thông ra biển nhưng tại các cửa sông tốc độ sa bồi diễn ra rất nhanh. Chính vì vậy cách đây hơn 10 năm, Bộ GTVT đã quyết định đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng mở rộng, nâng cấp tuyến kênh tắc Quan Chánh Bố để đưa tàu lớn vào sông Hậu mà không phải đi qua cửa Định An. Tuy nhiên, hiện nay dự án này cũng chưa phát huy được hiệu quả vì đây là luồng một chiều, tốc độ sạt lở, sa bồi cao hơn dự tính.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu giảm chi phí logistics tối đa thì việc đầu tư cho vùng một cảng biển tổng hợp quy mô lớn là cấp bách.

  ” Theo báo cáo quy hoạch Cảng Trần Đề có 26 bến, tổng diện tích 5.000 ha. gồm 10 bến làm hàng than, 16 bến tổng hợp container với tổng chiều dài cầu cảng 9km, đê chắn sóng 12 km, cầu dẫn vượt biển 10km.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho biết qua cân nhắc 5 địa điểm được đưa vào nghiên cứu cảng nước sâu là: đảo Hòn Khoai (Cà Mau), đảo Nam Du (Kiên Giang), ngoài khơi Gành Hào (Bạc Liêu), ngoài khơi Trần Đề (Sóc Trăng) và Duyên Hải gần bờ Trà Vinh cho thấy Trần Đề là địa điểm thích hợp nhất để xây dựng cảng nước sâu. Nơi đây có vị trí trung tâm của tiểu vùng Tây sông Hậu cách TP.Cần Thơ khoảng 50km được kết nối đường thủy thuận lợi theo tuyến sông Hậu và đường bộ qua tuyến QL1, QL60, QL Nam sông Hậu. Nếu nơi đây hình thành cảnh nước sâu thì các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang,Trà Vinh và một phần của Bến Tre sẽ không phải trung chuyển hàng hóa đến cụm cảng TP HCM để xuất khẩu.

Cơ hội khai mở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Cảng biển Trần Đề-Sóc Trăng đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là cảng biển loại II tại Quyết định số 1037/2014. Bộ Xây dựng cũng đã có Văn bản số 840/BXD-QHKT phúc đáp Văn phòng Chính phủ về việc thống nhất với quan điểm của Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh cảng biển Sóc Trăng trong hệ thống cảng biển quốc gia, là cảng biển đặc biệt (loại IA), có vai trò là cảng biển cửa ngõ quốc tế với bến cảng biển chính là bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề, đáp ứng cho tàu tải trọng 50.000 – 100.000 DWT và trên 100.000 DWT, phục vụ thông thương hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng ĐBSCL.

Cảng Trần Đề có thể kết nối và phát huy năng lực hệ thống kênh, rạch chằng chịt của Đồng bằng Sông Cửu Long.

Công văn do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành về việc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang liên quan đến định hướng xây dựng cảng nước sâu cho vùng ĐBSCL, cho biết: Qua nghiên cứu và tham khảo ý kiến chuyên gia tại Hội thảo phát triển logistics trong các năm qua cho thấy có tiềm năng để phát triển một cảng biển có tính chất cửa ngõ tại vùng ĐBSCL phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa là rất cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ về việc “Điều chỉnh Quy hoạch cảng biển Sóc Trăng và bến cảng Trần Đề trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với địa phương và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch và đề xuất cơ chế, kêu gọi đầu tư bến cảng bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Theo đơn vị tư vấn-Cty CP Tư vấn xây dựng công trình Hàng Hải khu bến cảng Trần Đề có diện tích dự kiến khoảng 30.000 ha, tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng, công suất dự báo 55 triệu tấn hàng hóa đến năm 2030 và có thể đạt 130-150 triệu tấn trong những năm tiếp sau. Đơn vị tư vấn đề xuất nguồn vốn đầu tư cho dự án này theo hình thức đối tác Công-Tư (PPP).

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ông Trần Văn Chuyện thì tuy dự án này chỉ mới được đề xuất nhưng địa phương đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, điều đó cho thấy sức hấp dẫn của dự án này.

Bình luận về những lo ngại sau khi có dự án này thì cần đầu tư 30.000 tỷ đồng cho dự án cao tốc kết nối từ cảng đến Châu Đốc để làm hàng cho Campuchia có làm tăng trần nợ công hay không? PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng: “Lâu nay chúng ta cứ than vãn khu vực ĐBSCL có quá ít đường cao tốc nên khó phát triển, do đó Bộ GTVT đã đề xuất mở thêm 4 tuyến cao tốc cho khu vực này trong đó có dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng. Nhằm phát huy hiệu quả tuyến đường này, tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất phát triển thêm hơn 25 km để đấu nối vào cảng Trần Đề.

Như vậy, không phải vì có cảng Trần Đề mà buộc phải đầu tư thêm tuyến cao tốc này. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, các tuyến đường cao tốc luôn được ưu tiên lựa chọn đầu tư theo hình thức PPP. Do đó không thể cho rằng việc đầu tư cảng nước sâu Trần Đề sẽ làm tăng nợ công”.