Hiện Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 7 cho Canada. Tuy nhiên, do xuất khẩu liên tục giảm mạnh trong các tháng đầu năm nên tính chung cả năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nước này vẫn giảm 38,5% so với năm 2022.
Theo IBISWorld, doanh thu của ngành thủy sản Canada đã giảm trung bình 1%/năm trong 5 năm qua, ước tính đạt khoảng 6,1 tỷ CAD (tương đương 4,5 tỷ USD) vào năm 2023. Tiêu dùng thủy sản của Canada giảm do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng các nguồn protein có giá cả thấp hơn so với thủy sản.
Mặc dù không phải tất cả các sản phẩm thủy sản đều đắt tiền, nhưng nhiều sản phẩm đắt hơn các mặt hàng chủ yếu như thịt gà. Nhu cầu tiêu yếu khiến nhập khẩu thủy sản của Canada giảm.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Canada, hiện Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 7 cho Canada. Cơ cấu mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường Canada có nhiều thay đổi khi tỷ trọng tôm đông lạnh và cá ngừ đông lạnh giảm, trong khi tỷ trọng cá tra, basa và cá ngừ đóng hộp tăng.
Điều này cho thấy kinh tế khó khăn, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản có giá cao sang Canada giảm mạnh hơn so với các mặt hàng có mức giá thấp hơn.
Theo dự báo, trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Canada sẽ có cơ hội phục hồi bởi nhu cầu tiêu thụ của nước này được dự báo sẽ tăng trong vòng 5 năm tới và đây cũng vẫn là thị trường tiềm năng cho thuỷ sản Việt.
Theo dự báo của Statista, doanh thu thủy sản của Canada sẽ đạt 4,79 tỷ USD vào năm 2024 và sẽ tăng trưởng bình quân 4,90%/năm.
Liên quan đến ngành thuỷ sản, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương so với ước thực hiện năm 2023. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,54 triệu tấn, giảm 8,3% so với năm 2023; sản lượng nuôi trồng 5,68 triệu tấn, tăng 5% so với ước năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD.
Theo ông Trần Đình Luân, nguồn lợi hải sản suy giảm; Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác; nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục là những khó khăn mà ngành tiếp tục phải đối mặt đòi hỏi nỗ lực của toàn ngành.
Cùng với tăng cường liên kết doanh nghiệp với chuỗi giá trị thủy sản, gỡ khó về thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, ngành tiếp tục giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản.
Ông Trần Đình Luân cho rằng, phải tiếp tục tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi và chuỗi ngang. Trong lĩnh vực khai thác phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; khai thác phải phù hợp với trữ lượng nguồn lợi và đảm bảo an toàn thực phẩm trên tàu cá, cảng cá về đến nhà máy.
Ngoài yêu cầu về giảm phát thải, tăng sản xuất xanh thì phúc lợi động vật cũng là vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thời gian tới. Đây không chỉ là nhu cầu của thị trường trong nước mà còn là xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới thời gian tới.
Tú Linh