TikTok là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, người dùng cần cần cẩn trọng lỗ hổng bảo mật của ứng dụng này.
Trong tháng 3, TikTok xếp thứ ba về doanh thu trong ứng dụng toàn cầu, sau ứng dụng hẹn hò Tinder và YouTube.
Liên tục lập kỷ lục
TikTok đã tận dụng sự bùng phát của dịch COVID-19 để đẩy các hashtag lạc quan như “#HappyAtHome” và quảng bá các luồng trực tiếp có nội dung gắn kết các yêu thương nhẹ nhàng cuốn hút sự tò mò của người dùng.
Theo Sensor Tower, TikTok đã được tải xuống 315 triệu lần từ tháng 1 đến tháng 3, giúp doanh nghiệp này thu được số tiền khủng nhất trong số các ứng dụng cùng loại khác.
Lượng người dùng của TikTok liên tục được thiết lập, rồi bị phá bởi chính họ. Đây chính là một chiến thắng lớn cho chủ sở hữu ứng dụng ByteDance- công ty khởi nghiệp “kỳ lân” của Trung Quốc.
Rủi ro đánh cắp thông tin
Check Point Research đã phát hiện nhiều lỗ hổng bảo mật trong ứng dụng TikTok. Lỗ hổng này cho phép các hacker thao túng các nội dung của chủ tài khoản TikTok và nắm giữ các thông tin cá nhân của chủ tài khoản như email, SMS và nhiều thông tin quan trọng khác. Thậm chí, quân đội Mỹ cũng đã ban hành lệnh cấm những quân nhân của mình sử dụng TikTok trên các thiết bị thuộc về chính phủ Mỹ và khuyến khích xoá bỏ nó trên các thiết bị cá nhân.
Một chuyên gia công nghệ cho biết lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trên TikTok cho phép tin tặc có thể hack tài khoản người dùng bằng một cuộc tấn công DNS. Lỗ hổng này liên quan đến việc TikTok sử dụng giao thức HTTP thay vì HTTPS để lấy nội dung đa phương tiện từ mạng phân phối nội dung (CDN) của công ty.
“Việc sử dụng giao thức HTTP có thể cải thiện hiệu suất truyền dữ liệu nhưng sẽ khiến người dùng gặp nhiều rủi ro vì thông tin không được mã hóa”, vị chuyên gia này nhấn mạnh và cảnh báo người dùng sẽ phải đối mặt rủi ro nếu vẫn sử dụng giao thức HTTP mà không chuyển sang HTTPS. Bởi các nhà điều hành mạng Wifi công cộng, nhà cung cấp dịch vụ mạng… có thể dễ dàng thu thập những dữ liệu này.