Chiến lược “tin ra là bán” có thể vẫn sẽ chiếm chủ đạo trong tháng 4 này, nên các nhà đầu tư (NĐT) cần cẩn trọng.
Có thể nói rằng, những bước đi gần đây của các cơ quan quản lý góp phần làm trong sạch TTCK. Tuy nhiên, hệ lụy của nó là không hề nhỏ, đặc biệt với những cổ phiếu tăng giá quá “ảo”. Thị trường đã từng điểm tên của rất nhiều phiếu thuộc hệ sinh thái của Louis Holdings và một số tập đoàn khác… cũng có thể có nguy cơ giống với FLC. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bất động sản có định giá quá đắt, như DIG, HDC… cũng đang trong vòng xoáy nợ nần. Về những nhóm này, NĐT cần lưu ý khi sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính.
Ngoài ra, việc Trung Quốc đang mạnh tay chống dịch khi liên tiếp phong tỏa những thành phố lớn, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguyên liệu ở Việt Nam, vì nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu số lượng lớn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, những doanh nghiệp xuất khẩu, tự chủ được nguồn nguyên liệu sẽ hưởng lợi, bởi sẽ có nhiều doanh nghiệp trên thế giới quan tâm nhập khẩu từ Việt Nam, thay vì Trung Quốc.
Mặc dù VN-Index đã tiếp cận lại đỉnh cũ 1.530 điểm, nhưng với những phiên giảm liên tiếp vừa qua sẽ khó tái lập lại kỳ tích. Nhiều NĐT cũng như quỹ đầu tư lớn đều kỳ vọng vào nhóm ngân hàng nhưng dường như chưa thực sự mặn mà. VN-Index thật khó tăng cao hơn nữa, nếu nhóm ngân hàng chưa có dấu hiệu bứt phá.
Trong ngắn hạn, những cổ phiếu nhóm ngành dệt may, thủy sản, đồ gỗ… dường như đang thu hút sự quan tâm của dòng tiền bởi sự hưởng lợi của nhóm này từ biến động trên thế giới.
Tháng 4 đầy biến động với chiến lược “tin ra là bán” vẫn xu hướng chủ đạo. Nhiều doanh nghiệp tiết lộ kết quả kinh doanh, hay kế hoạch kinh doanh năm 2022 đầy tham vọng thì giá cổ phiếu cũng không có quá nhiều đột biến, cho thấy rõ xu hướng này.
Nguyễn Hữu Bình – Chuyên gia chứng khoán