Dù doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng vừa qua nhiều cổ phiếu đã phục hồi tới 20-30%. Điều này có thể dẫn tới áp lực chốt lời ngắn hạn.
Kể từ mức thấp nhất 660 điểm, đến nay VN-Index đã hồi phục 16% và kéo đà giảm từ đầu năm xuống còn 20,3%.
Lý do phục hồi mạnh
Như vậy, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có 2 tuần tăng điểm tích cực và khá đồng điệu với TTCK thế giới. Sự hồi phục này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao TTCK lại hồi phục mạnh mẽ trái ngược với nhiều dự báo bi quan về kinh tế?
Trước quan điểm này đã có những luận điểm tin rằng thị trường đang được nâng đỡ bởi một dòng tiền lớn từ những nhà đầu tư (NĐT) hoàn toàn mới. Đây là những NĐT chưa từng tham gia, hoặc nếu có tham gia thì mức độ rất ít. Điều này được minh chứng khi số lượng tài khoản mở mới trong tháng 3 vừa qua tăng tới 75% so với tháng 2 và 225% so với tháng 1/2020.
Bên cạnh đó, dòng tiền của nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo doan nghiệp và người thân tham gia mua cổ phiếu quỹ cũng hỗ trợ cho thị trường.
Ngoài ra, hàng loạt quốc gia đã tung ra các gói kích thích kinh tế vô cùng lớn. Điều đó cộng với chính sách lãi suất âm ở một số quốc gia sẽ giúp kinh tế thế giới sớm phục hồi sau khi dịch bệnh được đẩy lùi. Chính điều này giúp cho nhiều thị trường, đặc biệt là TTCK Mỹ tăng mạnh, tác động không nhỏ đến TTCK Việt Nam.
Chốt chặn ở đâu?
Tuy vậy, rất hiếm khi thị trường hồi phục mạnh đến 16% trong 8 phiên liên tiếp cùng với số lượng mã tăng giá lớn như vậy. TTCK Việt Nam vẫn là thị trường cận biên, nơi những NĐT cá nhân chiếm tỷ trọng lớn, nên việc thay đổi chiều hướng là vô cùng đơn giản.
Trên đồ thị, bước tăng của VN-Index đang co hẹp lại cho thấy lực tăng đang yếu đi cùng với khối lượng giao dịch. Trong khi đó, rất nhiều cổ phiếu lớn đã hồi phục đến 20%, thậm chí là 30% như VCB, VIC, VHM, VNM, GAS… nên có nguy cơ sẽ điều chỉnh.
Cũng cần phải nhìn nhận rằng khó khăn với doanh nghiệp là rất rõ ràng, đặc biệt trong quý 2/2020, nên việc giá cổ phiếu hồi phục vừa qua chủ yếu phản ứng với tiêu chí giá rẻ.
Khi giá đã hồi phục mạnh đến 20-30% thì nhiều cổ phiếu không còn quá mức hấp dẫn nữa. Nếu nhịp điều chỉnh diễn ra, thì mốc 700 điểm sẽ là chốt chặn lớn và khó bị xuyên thủng. Trong ngắn hạn, NĐT cần cẩn trọng khi mua vào cổ phiếu và có chiến lược đầu tư hợp lý để bảo toàn vốn cũng như lợi nhuận đã có.