Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, để giảm sức mua, giảm sử dụng thuốc lá, theo chuyên gia, Việt Nam cần thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm này…
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá. Đáng chú ý, thuế tiêu thụ đặc biệt được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần giảm tiêu dùng của người dân, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Thế nhưng, sau những lần điều chỉnh, loại thuế này vẫn chưa có nhiều tác động như kỳ vọng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này một phần là do thu nhập của người dân được cải thiện, chi tiêu cho thuốc lá còn tương đối nhỏ so với thu nhập của người dân và mức tăng thuế chưa đủ lớn.
Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá tại Việt Nam còn khá thấp, hiện bằng 75% giá xuất xưởng, tương đương trên 30% giá bán lẻ. Trong khi, mức thuế suất đối với thuốc lá được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên chiếm 75% giá bán lẻ; hiện mức trung bình của thế giới là trên 61%.
Thực tế, tại khu vực ASEAN, mức thuế suất với thuốc lá của Việt Nam thấp thứ 3, chỉ cao hơn Campuchia (25 – 31,1%) và Lào (18,8%). Các nước như Thái Lan có mức thuế thuốc lá là 78,6% giá bán lẻ, Philippines là 71,3%, Malaysia là 58,6%…
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc tăng mức thuế hiện hành, Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối (phương pháp hỗn hợp) đối với thuốc lá, khi trên thế giới, không ít quốc gia khi áp dụng đã đem đến kết quả tích cực.
Đơn cử, Hàn Quốc từng là quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất (44% nam giới và 27,7% người trưởng thành hút thuốc năm 2012) song thuế thuốc lá lại thấp nhất trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Sau đó, nước này đã xây dựng hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc dựa vào đơn vị tiêu thụ, cùng một số chính sách khác. Nhờ vậy, tỷ lệ hút thuốc lá giảm mạnh, đặc biệt ở nhóm người trẻ (từ 9,2% năm 2014 xuống 6,3% năm 2016); nguồn thu ngân sách từ thuế thuốc lá cũng tăng 23,8% (1,3 tỷ won) trong năm 2016.
Tương tự, tại Thái Lan, thuế thuốc lá được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán buôn. Giai đoạn 1993- 2015, nước này có 10 lần tăng thuế, từ 55 – 87%/giá bán buôn, tương đương 120 – 670% giá xuất xưởng. Kết quả là, giá thuốc lá tăng từ 0,5 USD (1993) lên 2,2 USD (2015); tỷ lệ hút thuốc giảm từ 32% xuống 19,9%…
Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho biết, tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 được Chính phủ ban hành theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022, đã đặt ra giải pháp đối với chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt là xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối (phương pháp hỗn hợp) đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Phương pháp tính thuế hỗn hợp đảm bảo yếu tố điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình, góp phần hạn chế tiêu dùng thuốc lá bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm tỷ lệ hút thuốc lá theo mục tiêu đặt ra đối với từng nhóm đối tượng theo chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá.
“Không chỉ có vậy, việc áp dụng mô hình thuế suất hỗn hợp trên cơ sở xác định tỷ lệ thuế suất tương đối và mức thuế bằng tiền trên từng bao thuốc còn giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và người lao động liên quan đến ngành thuốc lá và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước”, bà Cúc chia sẻ.
Đồng ý với đề xuất nêu trên, Ths. Đào Thế Sơn, Chuyên gia kinh tế về thuốc lá và buôn lậu thuốc lá của Liên minh phòng chống lao và bệnh phổi quốc tế (The Union) cho rằng, đa số quốc gia đã chuyển sang thuế hỗn hợp hoặc tuyệt đối. Theo đó, số nước áp dụng thuế tuyệt đối tăng từ 56 lên 70 quốc gia; thuế hỗn hợp tăng từ 48 lên 64 quốc gia, còn thuế theo tỷ lệ (tương đối) giảm từ 54 xuống hiện còn hơn 30 quốc gia.
Theo ông Sơn, Việt Nam hiện đang áp dụng loại hình thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ phần trăm còn tồn tại nhiều hạn chế. Bổ sung thuế tuyệt đối vào cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt là giải pháp phù hợp để cải tiến hệ thống thuế và phù hợp xu hướng trên thế giới.
“Trước hết, cần có thay đổi về cách tính thuế, cần bổ sung thêm thuế tuyệt đối, để đảm bảo nhà máy có bán ra mức giá như thế nào đi chăng nữa thì nhà nước vẫn thu một khoản thuế cố định, vừa có tác dụng giảm tiêu dùng đảm bảo sức khỏe, vừa tạo nguồn thu ngân sách ổn định. Nhà nước có thể sử dụng khoản tiền đó để phục vụ cho các mục đích an sinh xã hội khác”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Yến Nhung