Một trong những trọng tâm của chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngay cả khi thị trường ổn định, lãi suất ổn định và thấp, vẫn là tổ chức đăng ký gói tín dụng ưu đãi và giải ngân gói tín dụng này để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Năm 2023, kinh tế TP.HCM đã “lội ngược dòng” từ tăng trưởng thấp trong quý I với 0,7%, quý II vượt lên 5,87%, quý III tiếp tục tăng cao 6,71% và quý IV bứt phá về đích với mức tăng 9,62%. Tín dụng đóng vai trò không nhỏ trong đà “ngược dòng” chung, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đóng góp cho tăng trưởng

Đây là cách làm đã được thực hiện trong nhiều năm qua, đem lại hiệu quả rất thiết thực cho doanh nghiệp và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, đặc biệt là trong điều kiện lãi suất thị trường, lãi suất cho vay tăng cao. Tuy nhiên ngay cả khi thị trường ổn định, lãi suất ổn định và thấp, thì việc đưa ra gói tín dụng ưu đãi vẫn rất cần thiết và có ý nghĩa đối với chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Sự cần thiết đó phản ánh trên 3 phương diện chính sau:

Thứ nhất, gói tín dụng ưu đãi, với 2 tiêu chí: quy mô và lãi suất, trong đó phải đảm bảo lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất cho vay thông thường để đảm bảo tính ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ haiviệc đưa ra gói hỗ trợ với quy mô và số tiền cụ thể sẽ giúp các TCTD chủ động trong hoạt động cho vay và hỗ trợ cho doanh nghiệp của TCTD. Đồng thời là sự đảm bảo cho hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, chủ động về nguồn vốn trong khi vẫn đảm bảo lãi suất ổn định, hạn chế sự ảnh hưởng khi lãi suất thị trường biến động. Qua đó, củng cố quan hệ ngân hàng- khách hàng, và thúc đẩy dịch vụ phát triển.

Thứ ba, với những ý nghĩa trên, việc yêu cầu các TCTD đăng ký và giải ngân gói tín dụng ưu đãi thông qua chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp là cần thiết và phát huy được hiệu quả của chương trình thể hiện qua những kết quả cụ thể về giải ngân gói tín dụng ưu đãi, số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ. Qua đó đảm bảo chương trình “làm thật, giải ngân thật”, doanh nghiệp được hỗ trợ vốn, lãi suất có điều kiện tăng trưởng và phát triển. Chính điều này, góp phần cho chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trở thành giải pháp hằng năm của ngành ngân hàng để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Kinh nghiệm tổ chức thực hiện gói tín dụng ưu đãi này từ những năm trước đây cho thấy, thường gói tín dụng này gắn liền với cơ chế chính sách về lãi suất, về ưu đãi của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy tính khả thi và hiệu quả của các gói tín dụng này rất cao. Riêng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2023 tổng quy mô gói tín dụng được 20 thương hiệu ngân hàng đăng ký từ đầu năm đạt 453.070 tỷ đồng và kết thúc năm đã giải ngân đạt 567.340 tỷ đồng, bằng 125,2% quy mô gói, cho 166.579 khách hàng.

Nguồn lực tiếp tục đóng vai trò quan trọng các giải pháp “đòn bẩy” cho tăng trưởng. Ông  Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM kiến nghị, TP, HCM tập trung 3 nhóm vấn đề. Trước hết phải giải phóng các nguồn lực đang có; quan tâm tiếp tục khơi thông nhu cầu từ nước ngoài thông qua mở ra các thị trường mới, thị trường ngách, chuyển đổi xanh. Đồng thời, tiếp tục các giải pháp kích cầu trong nước, tăng khả năng hấp thụ vốn. Như vậy, các giải pháp kích cầu và tăng hấp thụ vốn đòi hỏi sự phối hợp hài hòa cả chính sách tài khóa lẫn tiền tệ, trong đó, các gói tín dụng ưu đãi là trọng tâm

Nhìn ở góc độ quản lý và thực thi chính sách, với yêu cầu tập trung các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, kết quả thực hiện gói tín dụng ưu đãi, với đối tượng cụ thể, doanh nghiệp cụ thể và số tiền giải ngân cụ thể, tổng số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ cụ thể… là những chỉ số định lượng minh chứng cho hiệu quả của chương trình, vì vậy đã tạo ra thương hiệu và uy tín cho một chương trình hành động “Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp”được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng, năm 2024, TP. HCM xác định chủ đề công tác của năm là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”. Trong vai trò là trung gian thanh toán cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng tại TPHCM chung tay, sát cánh cùng TP và các sở ngành triển khai thực hiện tốt hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn, gắn với chuyển đổi số ngành ngân hàng để làm sao mang lại tiện ích tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động giao dịch với chính quyền cũng như trong tiếp cận vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, TP. HCM đang tập trung triển khai Đề án xây dựng TP. HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực để sớm xây dựng thành công Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế TP. HCM. Vì vậy, ngành ngân hàng cần quan tâm, có các chính sách hỗ trợ liên quan đến hoạt động này. Bên cạnh đó, NHNN có chính sách điều hành tỷ giá phù hợp, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn gia tăng kim ngạch xuất khẩu, từ đó góp phần hỗ trợ tổng cầu GRDP của thành phố phục hồi nhanh hơn, hướng đến đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5-8% trong năm 2024.

– P.Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM