Việc dịch chuyển nhanh cơ cấu đầu tư đã đặt ra yêu cầu về đào tạo lại nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, chưa có mô hình gắn kết hiệu quả giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp một cách chính thống…
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, so với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, mới chỉ đạt 26,2%.
Lao động qua đào tạo mới ở mức thấp
Trong khi đó, tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra những vấn đề mới, nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới.
Mặt khác, việc dịch chuyển nhanh chóng cơ cấu đầu tư đã đặt ra yêu cầu về nhân lực thay dổi, đòi hỏi cơ cấu nhân lực mới. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ thấp sẽ là một thách thức không nhỏ.
Trước tình hình đó, việc đổi mới cơ cấu, liên kết hợp tác trong đào tạo là đòi hỏi cấp bách để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, cũng như đào tạo lại nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Ở những quốc gia có năng suất lao động cao, lực lượng lao động nhất thiết cần có kỹ năng nghề cao và thái độ, động lực làm việc tích cực.
Ngày nay, kỹ năng được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu. Việc nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động là vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu, trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của mọi quốc gia trên thế giới. Thứ trưởng đánh giá, một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải vượt qua để trở thành quốc gia thịnh vượng là phải tạo ra năng suất lao động vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Thứ trưởng cho rằng hiện nay cộng đồng doanh nghiệp đã dần thay đổi trong tư duy và hành động, tuyển dụng và sử dụng lao động dựa vào trình độ kỹ năng và năng lực hành nghề, chủ động tham gia phát triển kỹ năng một cách có trách nhiệm; doanh nghiệp đang tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng chính sách và đào tạo kỹ năng cho người lao động.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cũng cho biết trong 8 nhóm giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tới, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp là một trong những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng được tập trung ưu tiên triển khai sớm.
Đơn vị này đã triển khai việc thúc đẩy hoạt động gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác dự báo nhu cầu lao động, song các hoạt động này còn hạn chế, sự tham gia của các bên liên quan trong giáo dục nghề nghiệp còn chưa thật sự hiệu quả. Vì vậy, việc dự báo nhu cầu kỹ năng, lao động nhằm định hướng cho công tác đào tạo vẫn là một thách thức.
Nâng cao vai trò của doanh nghiệp
Dưới góc độ đại diện người sử dụng lao động, bà Bùi Thị Ninh, Trưởng phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP HCM cho rằng, trong bối cảnh thiếu hụt lao động có kỹ năng, hệ thống thông tin thị trường lao động còn nhiều hạn chế, vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nghề ngày càng tăng…, song chưa có mô hình gắn kết hiệu quả giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp một cách chính thống và bền vững.
Vì vậy, theo bà Ninh cần thiết có một mô hình gắn kết doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp một cách toàn diện và khả thi. Cần xem xét các mô hình thí điểm thành công và thất bại để đưa ra mô hình gắn kết các bên liên quan phù hợp. Đồng thời, cần rà soát và ban hành các chính sách liên quan, tạo điều kiện cho sự hình thành và hoạt động hiệu quả của các mô hình gắn kết này.
Là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hoạt động liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế LILAMA 2 chia sẻ, hiện đơn vị này đã áp dụng nhiều mô hình đào tạo trên thế giới như Anh, Australia, đặc biệt là Đức.
Đối với đào tạo và cung ứng nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước, từ năm 2015, nhà trường đã hợp tác với các tập đoàn nước ngoài để đào tạo, triển khai theo mô hình đào tạo kép 100% là của Đức, và để các doanh nghiệp này chuẩn hóa đội ngũ lao động của họ.
Để việc liên kết có hiệu quả hơn, ông Cường đề xuất cần xây dựng mô hình đào tạo phối hợp đặc trưng Việt Nam để thu hút doanh nghiệp cùng tham gia với nhà trường trong quá trình triển khai đào tạo. Chính phủ cũng cần tiếp tục quan tâm tạo cơ chế để cơ sở giáo dục nghề nghiệp và toàn xã hội tham gia phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng đón các làn sóng FDI vào Việt Nam.
“Đào tạo nghề rất tốn kém, chi phí rất cao, không chỉ giáo viên, mà cả vật tư, thiết bị, giáo trình, do vậy, đề nghị có cơ chế hỗ trợ tín dụng cho sinh viên tham gia vào chương trình chất lượng cao”, ông Cường đề xuất. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ để đào tạo cho người lao động cũng như đào tạo nâng cao chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với thay đổi của công nghệ.
Hiện trường đang tiếp tục phát triển trong lĩnh vực cơ khí, cơ điện tử và đã đào tạo được 200 kỹ thuật viên để cung cấp cho các tập đoàn này. “Mô hình này được rất nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia phối hợp với nhà trường. Trong quá trình tham gia đào tạo, họ thấy có nhu cầu thì họ cùng với nhà trường tham gia, cho học sinh học tại trường và học tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp có những cán bộ để phối hợp, tổ chức đào tạo cùng với nhà trường”, ông Cường cho biết.
Minh Nguyệt