Đối thủ lớn nhất của Việt Nam vẫn là chính mình và cần phải vượt qua bằng cách thay đổi cung cách làm ăn để cho ra khối lượng gạo lớn, chất lượng cao và bán với giá thành cao…
Đó là nhận định của PGS.TS Dương Văn Chín (Tập đoàn Lộc Trời), ông Chín cũng bày tỏ quan điểm, đã qua thời Việt Nam chạy theo số lượng gạo xuất khẩu.
“Việt Nam không cần phải soán ngôi thứ nhất, thứ hai về xuất khẩu gạo làm gì. Chúng ta có thể đứng thứ 4, thứ 5 về lượng gạo xuất khẩu trên thế giới, nhưng quan trọng là gạo của chúng ta có chất lượng và bán được với giá cao”, ông Chín nói.
Hiện Việt Nam có hai nhóm gạo xuất khẩu nhiều nhất là gạo trắng hạt dài và gạo thơm trắng. Gạo trắng hạt dài của Việt Nam bán với giá 350-400 USD/tấn “có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan”. Tuy nhiên, nhóm gạo thơm trắng của Việt Nam lại kém xa so với các nước trên. Gạo thơm trắng của Việt Nam được bán với giá trung bình 600 USD/tấn, trong khi cũng loại gạo trên của Thái Lan bán với giá trung bình 1.000 USD/tấn, Ấn Độ là 1.200 USD/tấn.
Trước đó, Chủ tịch danh dự TREA Chookiat Ophaswongse, Thái Lan nhận định Thái Lan có thể tụt xuống vị trí là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, trong khi Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ hai. Ông cũng cho rằng Việt Nam không gặp khó khăn trong vấn đề chi phí sản xuất, giá gạo của Việt Nam sẽ cạnh tranh hơn.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) mới đây cũng nhận định nước này có thể mất vị thế là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, khi đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn trong năm nay, mức thấp nhất trong bảy năm.
Tuy vậy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành cho rằng: Trước đây, nhiều doanh nghiệp Việt đi gom lúa của dân mà không biết dân trồng theo quy trình thế nào, dư lượng thuốc thực vật trong hạt gạo ra sao. Họ mua cùng 1 giống, đánh cho thật bóng, nhìn hạt gạo rất đẹp nhưng đó là gạo ở rất nhiều ruộng của nhiều hộ nông dân làm với quy trình khác nhau, mỗi hạt gạo trong đó chứa dư lượng thuốc thực vật khác nhau, không kiểm soát được.
PGS.TS Dương Văn Chín – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành.
“Bây giờ các doanh nghiệp kinh doanh lương thực phải làm kiểu khác, có vùng nguyên liệu thì cũng phải thuê kỹ sư, cứ khoảng 200ha/kỹ sư, rồi kiểm soát quy trình trồng và chăm sóc lúa của nông dân, từ đó có gạo đạt chất lượng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Chín cho biết.
Với cách làm trên từ các giống đặc sắc, chất lượng cao, mỗi năm Việt Nam có hàng triệu tấn gạo thơm trắng, bán với giá 1.000 USD/tấn thì lúc đó ngành xuất khẩu gạo Việt Nam mới có chuyển biến về chất, còn không hành động gì, thì dù có gạo ngon nhất thế giới cuối cùng chúng vẫn rơi vào quên lãng”, PGS.TS Dương Văn Chín phân tích.
Tuy vậy, về phía doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho rằng để đầu tư chuỗi giá trị ngành gạo luôn là thách thức cho doanh nghiệp, nông dân và cơ quan quản lý nhà nước. Phía doanh nghiệp và nông dân không đủ lực để đầu tư, nhưng chúng tôi không cần ưu đãi, chỉ cần Nhà nước tạo điều kiện để nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng”.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho biết “Trong bối cảnh hiện nay, xuất khẩu gạo có nhiều yếu tố tác động, như: công nghệ, tín dụng, thị trường. Trách nhiệm của Bộ Công thương là hỗ trợ mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Bộ cũng đưa người mua đến với thị trường Việt Nam, để tạo niềm tin cho người mua về quy trình sản xuất gạo của Việt Nam. Nhưng để đi vào chuỗi toàn cầu cần sự thay đổi về tư duy sản xuất, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan”.
Bảo Loan