Logistics Việt Nam còn nhiều khoảng trống chưa tính đến. Nếu không thay đổi môi trường logistics, Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà.
Từ câu chuyện doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thiếu container rỗng để xuất hàng, phải phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) nói thẳng doanh nghiệp logistics Việt Nam nhỏ li ti, chưa đi vào quy mô, chất lượng, phải đi làm thuê cho nước ngoài và chỉ làm thuê ở một số công đoạn.
“Thời gian qua, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng cho thấy chúng ta đang lệ thuộc quá nhiều vào các hãng tàu nước ngoài. Đây cũng là yếu tố khách quan để chúng ta nhìn nhận lại, để thấy rằng logistics và thương mại Việt Nam có nhiều khoảng trống chưa tính đến.
Thử hỏi trong chính sách phát triển, kho và bao bì chúng ta đã có chưa? Ngay cả chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam vẫn chưa có, mới chỉ có Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017″, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển nêu rõ.
Để giải quyết được vấn đề này, ông Đào cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại tổng thể ngành logistics, môi trường logistics, từ chính sách phát triển đến cơ sở hạ tầng, phát triển doanh nghiệp… “Nếu không giải quyết thì những năm tiếp theo, lại tiếp tục nảy sinh những vấn đề khác, không chỉ là câu chuyện thiếu container xuất hàng. Đã đến lúc hình thành và phát triển thị trường bất động sản logistics, như trung tâm logistics, KCN logistics, cụm logistics… để thu hút đầu tư logistics trong nước và quốc tế“, vị chuyên gia nói, đồng thời nhấn mạnh, nếu Việt Nam không thay đổi môi trường logistics thì sẽ bị thua ngay trên sân nhà và mất luôn thị trường logistics, giống như điều đã xảy ra với thị trường bán lẻ.
Đỗ Huyền