Hàn Quốc ban bố tình trạng khẩn cấp khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng đột biến

Theo thống kê mới nhất, có 20 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, trong đó, Iran 6, Nhật Bản 3, Hàn Quốc 4, Italy 2,  Hồng Công 2, Đài Loan 1, Pháp 1  và Philippines 1. Liban là quốc gia mới nhất xác nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên.

Trung tâm Bảo vệ sức khỏe (CHP) của Hong Kong thông báo, có thêm một phụ nữ 96 tuổi, bị sốt và ho từ hôm 13/2 đã được chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm chủng mới của virus corona tại đặc khu hành chính này lên 69 người tính tới 20h00 ngày 22/2 theo giờ địa phương (19h00 giờ Hà Nội).

Đáng chú ý, Hàn Quốc đang có khả năng trở thành quốc gia bùng phát dịch cúm mạnh mẽ tại châu Á sau Trung Quốc khi công bố số người nhiễm bệnh là 556 với hầu hết các ca nhiễm có liên quan tới một nhà thờ ở Daegu và một bệnh viện.

Trong khi đó, Iran đã có trường hợp tử vong thứ 6 và Italy bước vào giai đoạn phong tỏa đi lại ở nhiều thị trấn vì số ca nhiễm mới gia tăng. Các báo cáo đáng lo ngại từ Tehran cho thấy virus đã được truyền đi rộng rãi hơn so với những gì các quan chức thừa nhận trước đó. Trong khi các quan chức y tế của đất nước chỉ xác nhận 18 trường hợp vào ngày 21/2, số ca tử vong cho thấy tổng số có khả năng cao hơn nhiều.

Các trường hợp đặc biệt tại tâm dịch Trung Quốc cũng đang được ghi nhận. Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đang chú ý đến trường hợp của một cô gái 20 tuổi ở Vũ Hán lây virus corona chủng mới cho 5 người thân khác. Tuy nhiên, cô gái này không có bất kì triệu chứng bệnh nào. Đồng thời, thêm một bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới có thời gian ủ bệnh dài lên tới 27 ngày được phát hiện.

Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra lời cảnh báo rằng “cánh cửa cơ hội” ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên quy mô quốc tế đang dần thu hẹp khi những trường hợp nhiễm virus COVID-19 không có liên hệ dịch tễ với Trung Quốc làm dấy lên nguy cơ dịch lây lan sang các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém như tại khu vực châu Phi khi khu vực này không có thiết bị điều trị cho những bệnh nhân bị các triệu chứng như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng và suy đa tạng.

Cho đến nay, SARS-CoV-2 vẫn ở thể nhẹ đối với 80% số các bệnh nhân, và ở tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch đối với 20% còn lại. Virus này gây tỷ lệ tử vong 2% trong số những trường hợp đã ghi nhận. Do đó, nếu có thêm nhiều trường hợp tương tự trong nghiên cứu xuất hiện thì có thể chứng minh được việc ngăn Covid-19 là một thách thức.

Theo giáo sư Benjamin Cowling, Trường Y tế công, Đại học Hong Kong đánh giá, hiện các nước không biết về mức độ lan truyền của virus corona chủng mới, cũng như chưa rõ khả năng kiềm chế của những khu vực bên ngoài Trung Quốc. Chính vì vậy, nếu các ca nhiễm chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm, số ca nhiễm được xác nhận nCoV sẽ thấp hơn thực tế, bởi xét nghiệm chỉ được tiến hành đối với những người có biểu hiện triệu chứng.

Do đó, vẫn còn quá sớm để nói không thể kiểm soát được SARS – CoV- 2 nhưng dịch bệnh vẫn có thể bùng phát mạnh hơn nữa nếu các nước không hành động nhanh chóng để phòng ngừa và tăng cường cập nhật thông tin cho người dân, tăng trao đổi xuyên biên giới và báo cáo với WHO; đồng thời đảm bảo nguồn cung mặt hàng vật tư y tế để ngăn Covid-19 và cả các bệnh truyền nhiễm khác.

Mỗi nước cần cân nhắc ưu tiên chống dịch do virus Corona chủng mới gây ra hay bệnh khác, tùy thuộc vào vị trí địa lý của quốc gia, nhất là trong thời điểm có cúm mùa.