Dù dự báo sớm cán mốc tỷ đô, tuy nhiên, trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp ngoại đang dẫn dắt thị trường, trong khi doanh nghiệp nội dự báo gặp khó khăn khi thị trường bão hoà.
Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi năm 2020 đạt 800,7 triệu USD. Với mức chi đầu tư mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp lớn, mặt hàng này sẽ sớm cán mốc tỷ USD.
Mặt hàng tỷ đô nhưng 80% nguyên liệu nhập khẩu
Mặc dù năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi được đánh giá ngày càng phình to, sẽ sớm đưa mặt hàng này gia nhập Câu lạc bộ các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD. Tuy nhiên, nếu so mức xuất khẩu với với mức nhập khẩu hàng năm của mặt hàng này, giá trị xuất khẩu hiện chỉ chiếm tỷ trọng gần 1/5 nhập khẩu.
Theo đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 70-80% nguyên liệu từ nước ngoài. Ước tính sơ bộ, chi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi năm 2020 lên tới 3,9 tỷ USD.
Nguyên nhân là do các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn như ngũ cốc, đậu tương, khô dầu các loại, phụ gia… hiện Việt Nam sản xuất không đủ hoặc do giá thành quá cao so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Trong khi mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo, trị giá khoảng 2,8 tỷ USD thì lại cần nhập tới trên 15 triệu tấn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, trị giá gần 3,8 tỷ USD, như vậy giá trị nhập siêu riêng lĩnh vực lương thực đã lên tới khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.
Chính vì luôn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nhiều năm nay, dẫn tới tình trạng thiếu ổn định, dễ bị tổn thương khi có sự cố xảy ra. Có thể thấy rõ, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng thêm bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa ổn định khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề khi vừa thiếu nguyên liệu sản xuất, vừa khó tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Cụ thể, vận tải biển và đường bộ gặp khó khăn do khâu kiểm soát dịch bệnh khắt khe tại các nước xuất khẩu, thậm chí nhiều nước đã tạm dừng hoạt động dẫn tới tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng. Hệ lụy là có nhiều thời điểm, một số doanh nghiệp giảm sâu sản lượng sản xuất do thiếu nguyên liệu. Một số doanh nghiệp lớn như: Công ty C.P Việt Nam, Cargill, GreenFeed… thông thường luôn hoạt động đến 80% công suất thì có những tháng khi dịch Covid bùng phát mạnh, các doanh nghiệp này chỉ hoạt động khoảng 30 – 40% công suất.
Ngoài việc khó khăn về nhập khẩu, giá nguyên liệu tăng lên khá mạnh khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng phải tăng giá thức ăn chăn nuôi từ 200 – 1.000 đồng/kg. Đây là một trong những nguyên nhân khó giảm giá thịt lợn tại Việt Nam hiện nay dẫn tới tăng chỉ số lạm phát trong những tháng gần đây.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài (chiếm tỉ lệ 32%) và 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 68%). Tuy vậy, có đến 60% thị phần sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, 40% còn lại được chia cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Đáng lo ngại hơn, thị phần của các doanh nghiệp nội địa đang có nguy cơ ngày một tụt giảm (ước tính giảm 2-3%/năm) trước sự mở rộng về cả qui mô, sản lượng cũng như số lượng doanh nghiệp của các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi các doanh nghiệp trong nước đang loay hoay thoát khỏi khủng hoảng nguyên liệu thì một số doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục xây dựng thêm nhà máy để tăng sản lượng. “Ngoài các tập đoàn lớn từ Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc… đã đầu tư vào Việt Nam từ trước thì gần đây một số tập đoàn từ Singapore, Hà Lan, Đức cũng có mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Dự báo trong thời gian tới, cạnh tranh để giành thị phần TACN sẽ trở nên khốc liệt hơn rất nhiều”, GS.TS Nguyễn Duy Hoan chia sẻ.
“Lội ngược dòng”
Có thể nói, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp nội và ngoại, thị trường đã có một lượng lớn nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi được các doanh nghiệp này đầu tư và mở rộng. Hiện tại, tổng công suất các nhà máy trong nước đã đạt gần 40 triệu tấn/năm, xấp xỉ với nhu cầu tiêu thụ.
Do đó, chuyên gia đánh giá, thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi đã gần ở mức bão hoà, đòi hỏi các doanh nghiệp muốn đầu tư vào thị trường này ngoài tiềm lực tài chính đủ mạnh, còn phải xây dựng cho mình được một hệ thống chăn nuôi khép kín với mô hình 3F (Feed – Farm – Food). Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp lớn nước ngoài đã sớm thực hiện và đẩy mạnh.
“Trước kia chỉ cần sản xuất cám thì anh vẫn sống được, nhưng giờ nếu vẫn chỉ sản xuất và bán cám trôi nổi trên thị trường thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thời kì chỉ sản xuất thức ăn chăn nuôi rồi chờ nông dân đến mua đã xa rồi”, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền cục trưởng cục chăn nuôi Việt Nam cho biết.
Ông Dương đánh giá, để có thể cạnh tranh và giành lại thị phần với các doanh nghiệp ngoại, các tâp đoàn lớn này cần xây dưng hoặc liên kết với nhau tạo để tạo thành hệ thống chăn nuôi khép kín, còn nếu chỉ đầu tư vào nhà máy, tăng công suất thì sẽ không đủ.
Dường như năm bắt điều này, gần đây, các doanh nghiệp lớn trong nước như Masan, Hòa Phát, Hùng Vương, Vingroup đã bắt đầu có những đầu tư lớn vào ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi với mong muốn “lội ngược dòng”, giành lại thị phần từ tay các doanh nghiệp ngoại.
Cụ thể, Masan đã mua lại Proconco, Anco vươn lên vị trí cung ứng thức chăn nuôi lớn thứ 2 trên cả nước. Tập đoàn Hòa Phát cũng đã xây dựng và đi vào hoạt động nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại Khu công nghiệp Long Khánh với công suất 200 ngàn tấn/năm. Các tập đoàn này đang liên kết tạo thành chuỗi phát triển sang lĩnh vực chăn nuôi, tiêu thụ và bước đầu đã thành công.
Chuyên gia nhận định, chúng ta vẫn có quyền hi vọng về cơ hội mới cho ngành sản xuất TACN Việt Nam, nhưng nếu các doanh nghiệp không chú trọng về đầu ra sản phẩm hay cân bằng cung cầu, bức tranh thị trường vẫn khó có thể thay đổi.
Anh Duy