Do đó, NHNN cần điều hành cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất.

Tỷ giá USD/VND (cột trái) và chỉ số USD Index DXY (cột phải).

Tỷ giá liên tục tăng nóng trong những ngày gần đây. Tính chung từ đầu tháng 9 đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng thêm 99 đồng/USD, trong khi giá mua – bán USD tại các ngân hàng tăng tới 290 đồng/USD.

Tỷ giá trước nhiều áp lực

Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ giá tăng. Thứ nhất là do sự phục hồi của USD trên thị trường thế giới trước kỳ vọng FED có thể tăng thêm lãi suất một lần nữa và tiếp tục duy trì mức lãi suất cao trong một thời gian dài.

Thứ hai là do yếu tố mùa vụ khi mà giai đoạn tháng 8-9, các doanh nghiệp thường đẩy mạnh nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất những tháng cuối năm, dẫn tới nhu cầu ngoại tệ tăng, đẩy tỷ giá tăng.

Thứ ba, theo KB Việt Nam, diễn biến trái chiều về mặt chính sách của FED và NHNN khiến chênh lệch lãi suất USD và VND được nới rộng, với lãi suất USD cao hơn đáng kể, kích hoạt các hoạt động giao dịch carry trade (giới đầu tư sử dụng đồng tiền lãi suất thấp để mua đồng tiền lãi suất cao), khiến nhu cầu mua và nắm giữ USD gia tăng, gây áp lực lên tỷ giá.

Cần giải pháp hài hòa

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề tỷ giá tăng chỉ là câu chuyện ngắn hạn, không quá quan ngại bởi vẫn còn nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ ổn định tỷ giá. Theo đó, nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế vẫn rất dồi dào nhờ cán cân thương mại thặng dư lớn (8 tháng ước xuất siêu 20,19 tỷ USD), giải ngân vốn FDI 8 tháng ước đạt 13,1 tỷ USD, chưa kể dòng kiều hối, thu từ du lịch… Trong khi lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp.

Thế nhưng, không thể lơ là bởi tỷ giá ổn định có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. TS. Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết tỷ giá là “phòng tuyến” quan trọng; nếu vỡ, thì lạm phát sẽ tràn vào.

Theo các chuyên gia, muốn ổn định tỷ giá, cần phải cân bằng giữa bài toán tỷ giá và lãi suất bởi nếu giảm lãi suất quá nhanh và mạnh, sẽ gây áp lực tăng tỷ giá.

Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN cũng cho rằng, giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo ổn định tỷ giá. Bởi tỷ giá tăng cao sẽ làm đảo lộn niềm tin của nhà đầu tư, tạo áp lực lên Chính phủ khi đi vay nợ nước ngoài. Tỷ giá tăng còn khiến giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng, từ đó khuếch đại thêm áp lực lạm phát. Chưa kể, doanh nghiệp, người dân sẽ đổ xô nắm giữ ngoại tệ.

Hà Anh