Chuyển tới nội dung

Vì đó là Hoa!

  • bởi

Thế là những bông hoa rực rỡ và may mắn được chọn đã yên vị trong ngôi nhà bình yên hay trụ sở mênh mông nào đó ngày Tết…

Và những nụ cành chưa kịp hé sẽ bung nở tiếp khi mỗi thời khắc Xuân thì đã, đang đến, dần qua…

Thế rồi những người nông dân, tiểu thương, những nhà kinh doanh buôn bán bày sạp ở chợ đầu mối, mướn vội mặt bằng trống trên phố chào hàng hay người bán lẻ nơi vỉa hè ngã tư với khấp khởi kỳ vọng một mùa bội thu doanh số, có Tết ấm no… cũng đã trở về với gia đình của mình. Năm mới đã đến!

Cùng năm mới là muôn cung bậc cảm xúc khác nhau. Có người sướng sung vì một năm hanh thông, vì những phiên chợ cuối cùng mua may bán đắt. Có người âm ỉ nỗi buồn “mất Tết’ vì khó khăn thất bát và lo nghĩ về chặng đường trước mắt với đầy rủi ro của nghề trồng hoa với thiên tai và sức cầu giá yếu…

Những ngày giáp Tết hơn tuần và cả trước ngày mùng Tết chỉ khoảng hơn 12 tiếng đồng hồ, đã tràn ngập trên các phương tiện thông tin và đặc biệt không gian mạng là lời nhắc nhở người mua đừng chờ sắm hoa muộn, đến oán thán tại sao phải chờ tới phút cuối cùng sát Tết để được mua hoa giá rẻ.

Những lời thúc giục người mua cần đi chợ hoa từ sớm để người bán sớm được thoát cảnh màn trời chiếu đất trông hoa, cho họ được về Tết cùng gia đình…cũng đã vang lên. Rồi rất nhiều trách móc đặt ra là tại sao nhiều người lại đành lòng đi hôi của, mót hoa đổ bỏ, đổ xô chọn hoa giá hạ thay vì chọn trước một vài cành, vài chậu khi đã điều kiện khấm khá hơn…

Trang trí đón Tết với hoa giấy Thanh Tiên và Cúc theo phong vị Tết xưa của một nhà hàng tại trung tâm quận I- Tp HCM

Đâu đó lại cũng vang lên phản bác “kinh tế tình thương” rằng tại sao những người bán hoa phải neo hoa giá thách, nói cao hơn mức có thể bán thay cho lựa chọn yết giá ở một mặt bằng phù hợp? Tại sao người nông dân, người bán hoa phải chặt cành đập chậu, phải “không ăn thì đạp bỏ” thay vì vẫn có thể để hoa ở lại, không sớm đẩy những chậu cành thành rác, vì việc đập bỏ hoa là hành động “phi mỹ”.v.v…?

Mỗi phía đều có lý lẽ. Có lý lẽ chọn “phe nước mắt”. Có lý lẽ chọn tôn trọng kinh tế thị trường. Có cả cái lý trung dung mỗi bên đều đúng. Thị trường hoa hơn cả những phiên chợ mùa Tết, là lắt cắt phản chiếu bức tranh tâm lý tiêu dùng người Việt trong bối cảnh kinh tế thị trường chưa thật  sự phát triển hoàn chỉnh.

Nói cơ chế kinh tế thị trường chưa thật phát triển là bởi nếu vận hành theo đúng nguyên nghĩa của cơ chế này, quá trình tương tác của các bên gồm bán, mua phân phối đều sẽ chặt chẽ theo hướng không có sự lệch pha trong hình thành giá cả, phân phối tài nguyên, xác định khối lượng và cơ cấu sản xuất.  Vì đây cũng không phải là mùa hoa đầu tiên người mua người bán hay những người trung dung lựa chọn cách nhìn, tâm thế và quyết định sự tương tác của mình trong quá trình trao đổi mà vẫn không đảm bảo được việc sản xuất “vừa đủ” – không thừa không thiếu. Hay nói cách khác là các bên đã không thỏa mãn được cơ chế cạnh tranh hoàn hảo của thị trường trên quan hệ cung cầu.

Trên trang cá nhân của mình, ở góc độ của nhà kinh tế học nhưng đồng thời là một người Sài Gòn có sự gắn bó, theo dõi xuyên suốt những chuyển biến, tiếp biến văn hóa Nam Bộ suốt hơn nửa thế kỷ, TS. Đinh Thế Hiển nói 2 ý: “Thứ nhất, hoa là nhu cầu chưng ngày Tết, nhưng nó không phải là yếu tố bắt buộc nếu giá cao hơn dự tính túi tiền người dân….Thứ hai, ngày trước, đa số người Sài Gòn chưng hoa tết chỉ là vài chậu Cúc, Thược Dược, Mồng Gà loại nhỏ có mầu sắc vàng đỏ rực rỡ cho vui cửa nhà. Sang chút thì chậu Tắc (còn gọi là Quất theo phương ngữ Bắc bộ-NV), chậu bông giấy có kích cỡ cũng không lớn lắm. Người nào có tiền thì chơi Mai, nhưng không phải đa số… Sau này, hoa Tết được sản xuất quá nhiều, đủ loại và nhiều loại có giá khá cao so với người lao động, từ chậu Cúc, chậu Tắc to đùng, với các loại hoa Đà Lạt đắt tiền.. Cung quá nhiều cả về số lượng, kích cỡ cũng như giá trị, vượt qua nhu cầu hoa chưng Tết của đa số người lao động Sài Gòn, do vậy việc dư thừa và đổ bỏ là đương nhiên, và sẽ tiếp tục tái diễn các năm sau…”

Hai ý này nếu mở rộng hàm nghĩa, phải chăng là một cách diễn đạt về nhu cầu tiêu dùng theo thứ tự ưu tiên và “chuẩn tháp” Maslow, chưa sai khác với lựa chọn quyết định hành vi của người Việt hiện tại:

Thứ thiết yếu sẽ được sẵn sàng chi dùng nhiều hơn, thậm chí với giá cao hơn nếu đó thực sự là thiết yếu. Thứ chưa hoặc không thiết yếu có tính hỗ trợ, “gia vị” cho đời sống, người dùng vẫn sẽ cân nhắc đắn đo. Ở một tầm cấp khác trên đỉnh tháp, với hoa, tùy thuộc khả năng chi trả mà người dùng lựa chọn hàng hóa phù hợp để thỏa mãn nhu cầu.

Rõ ràng, đời sống của người dân ở mức thu nhập trung bình trên 2.600 USD/ đầu người không hề là mức thu nhập cào bằng và là “sàn” đầu vào tối thiểu, chung cho tất cả.

Từ lăng kính thị trường hoa, lại thấy, xã hội đang sự chuyển động trong nhu cầu thụ hưởng. Đi kèm là sự chuyển biến của phong vị Tết xưa đến muôn vẻ Tết nay. Tết xưa có thể chỉ là mùa đoàn tụ, là thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, là khổ qua, thịt kho hột vịt và dưa hấu ngọt lành…Thì tết nay đã có thể là những chuyến hành trình xa xôi đi tìm nắng, hay mọi sản vật, cao lương mỹ vị khắp năm châu được nhập khẩu về. Hoa theo đó cũng không chỉ là những Mai, Đào cùng Mào gà, Hoa cúc, còn có Tulip, Mai đỏ hay vô vàn loài cao cấp tùy thuộc nhu cầu và khả năng móc “hầu bao”.

Hoa, với người trồng, phân phối, hay người mua mỗi mùa Tết, đều lại phản ánh sự phân tầng, phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày một rõ.

Làm gì để sự phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo đó không khắc sâu vạch bất bình đẳng và bất công bằng ngày một doãng rộng, đó mới là câu hỏi mà các bên cần “nước mắt”, “kinh tế” hay “trung dung” nên gặp nhau ở một điểm chung. Và hóa giải câu hỏi đó cũng không chỉ thuộc về trách nhiệm Nhà nước–đối tượng không nhất thiết can thiệp cơ chế thị trường nếu đây thực sự là kinh tế thị trường– còn là trách nhiệm của chính mỗi thành viên xã hội.

Mong rằng, để không còn cảnh bất nhẫn xót lòng “có ở đâu nghiêng ngả như chợ chiều/ mọi giá trị bay vèo từng giây phút” như nhà thơ nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã viết chiều 30 Tết, trong 4 chữ “tự do lựa chọn” của cơ chế thị trường, mỗi người còn có ý thức thêm 4 chữ “điều tiết phù hợp”. Bởi sẽ không ai giúp ta thoát bẫy cạm bẫy đói nghèo và hạn chế của chênh lệch thu nhập bằng chính tự thân chúng ta.

Dẫu vẫn biết mỗi năm, nông dân các làng hoa Tây Tựu, Hà Đông, Đà Lạt, Sa Đéc, Cái Mơn…đều cũng chỉ mong vào một mùa tiêu thụ lớn nhất. Vẫn biết mọi vùng đều có những làng nghề và truyền thống, phong vị Tết khác nhau. Và người nông dân đôi khi giữa nắng mưa bán mặt cho đất bán lưng cho trời có thể thậm chí còn chưa bình tĩnh gạn lọc những bài học sau bao mùa hoa mà chọn thứ phù hợp phong vị và nhu cầu tiêu thụ mới…

Sau mùa mùa hoa Tết ngổn ngang, lòng lại nhớ về sắc thắm của làng hoa giấy Thanh Tiên, nơi những Mai, cúc, Lan, Đồng tiền, Thược dược…từ tháng Chạp đã “nở” theo dòng tâm linh, truyền thống đất thần kinh mà tuôn chảy về các vùng miền vẫn còn “chịu” theo Tết cũ. Dù theo Tết xưa hay nay, ngày mai, chúng ta đều bước sang mùng 3 Tết. Ngày mai, nhiều sắc hoa rực rỡ chuyên chở mọi hy vọng nhân văn về khởi đầu tốt lành của chúng ta, trên thực tế đều có thể sắp xuống màu. Rồi nhiều hoa trong nhiều ngày tới sau Tết sẽ xuống đường cùng người lao công nơi phố phường đô thị. Nhiều cây cành sẽ về lại nhà vườn để bắt đầu chờ chăm ươm cho một mùa kế cận. Chỉ còn mãi với chúng ta, như năng lượng để mỗi người được bước tiếp mạnh mẽ trong hành trình mới, sẽ vẫn là phong vị Tết ấm, với những bông hoa thắm sắc trong lòng người. Đơn giản, vì đó mãi là hoa!

Lê Mỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved