Chuyển tới nội dung

Lại bàn chuyện gộp Tết

Từ bỏ ngày Tết cổ truyền hay việc giữ lại, điều nào sẽ đem lại cho một Việt Nam cường thịnh hơn?

Tết Nguyên đán 2020 đã cận kề và câu chuyện gộp Tết ta với Tết tây lại trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, mạng xã hội. Đáng chú ý, nhiều người cho rằng không nên bỏ Tết ta vì đó là truyền thống của người Việt.

Khách quan mà nói, thay đổi một định dạng văn hoá – một truyền thống văn hoá – một di sản văn hoá, vì thế phải được nhìn nhận một cách thận trọng, nhiều chiều, và tuyệt đối tránh xa kiểu tư duy đơn tuyến. Người Trung Quốc vẫn giữ chữ của người Trung Quốc. Người Hàn Quốc vẫn giữ chữ của người Hàn Quốc…v..v.

Nhưng nếu vì thế mà bảo đất nước họ bây giờ hội nhập với phương Tây chậm hơn chúng ta, và vì thế có tốc độ phát triển kém hơn chúng ta thì e là không mấy người đồng ý.

Giữ Tết hay gộp Tết cổ truyền cũng như vậy. Không nên đơn tuyến nghĩ rằng chỉ nhờ những việc mang tính hiện tượng như “gộp Tết” mà có thể bắt kịp xu thế văn minh nhân loại. Trong khi “gộp Tết” chắc chắn sẽ làm mất đi những giá trị tinh thần vốn có của dân tộc mình.

Cá nhân tôi, tôi không nói việc từ bỏ hay giữ lại, cái nào sẽ có giái trị tốt hơn. Giống như nghệ thuật sẽ không có đúng và sai, chỉ có phù hợp hoặc không phù hợp.

Trong những phân tích khoa học, người ta thường bỏ đi một góc nhỏ của xã hội học, mà việc vô tình ấy chính là yếu tố quan trọng của mọi vấn đề. Có những khái niệm mà chúng ta cần phải khuôn biệt, như phạm trù của từ “phát triển” và “văn hóa”. Một thứ đại tự sự rỗng tuếch mà giới tri thức thường dùng để cổ xúy cho điều họ chẳng biết gì về nó

Họ cho ngày Tết cổ truyền tại Việt Nam sẽ làm mất đi một khoảng thời gian lao động, giao thương với những quốc gia khác, điển hình là Tây phương. Nhật và Singapore là một trong những quốc gia điển hình cho việc từ bỏ văn hóa dẫn đến thành công kinh tế.

Nói rõ hơn, những người ủng hộ chuyện nhập Tết ta vào Tết tây thường vin vào quãng thời gian nghỉ lễ làm căn cứ luận cho mình. Họ bảo, nếu Tết tây chỉ diễn ra trong một ngày thì Tết ta lại diễn ra trong nhiều ngày, và đặt trong bối cảnh của thời đại công nghiệp hoá-hiện đại hoá, và bây giờ là “số hoá”, thì việc nghỉ nhiều ngày (trong khi thế giới phương Tây không nghỉ) tạo nên sự lệch pha ghê gớm.

Mở rộng góc nhìn, hiện nay ngoài việc ăn tết theo ngày “âm lịch”, cũng có nhiều quốc gia có ngày tết ăn theo “phật lịch”. Tiêu biểu Thái lan, họ không từ bỏ ngày tết của họ. Đem ngày tết họ là một đặc trưng để thu hút khách du lịch. Và hằng năm, vào ngày này lượng khách du lịch đến Thái Lan cũng rất đông.

Tức là, kinh tế không là yếu tố mang tính quyết định việc chúng ta từ bỏ Tết cổ truyền sẽ đem lại sự cường thịnh cho quốc gia. Nếu nhìn nhận từ học thuyết so sánh của Ricardo thì việc chúng ta giữ lại những giá trị văn hóa đặc thù để phát triển về ngành dịch vụ sẽ tốt hơn cả việc tập trung giao thương trong những ngày nghỉ ít ỏi.

Nhìn trên diện rộng, có lẽ cái tâm lý háo hức đón Tết vẫn là dễ thấy trong xã hội hiện đại ngày nay của người Việt. Bởi Tết cổ truyền vẫn chứa đựng trong nó những giá trị vốn được xác lập và bồi đắp từ cả ngàn năm. Ba ngày Tết là dịp để con cháu hướng đến tổ tiên ông bà, một đạo hiếu sâu đậm trong lòng một dân tộc luôn lấy đạo hiếu làm kim chỉ nam hành động cho mình.

Nói cách khác, ông cha ta có câu “Mồng một Tết cha – Mồng hai Tết mẹ – Mồng ba Tết thầy”. Cách ăn Tết ấy đã được bảo truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia, và đặt trong bối cảnh mà hồi chuông báo động về sự xuống cấp đạo đức xã hội không ngừng được gióng lên thì nét văn hoá ấy càng phải được nhấn mạnh hơn bất cứ khi nào.

Hãy nhớ, Tết là thời gian để tất thảy mọi người dành cho gia đình. Sinh viên, học sinh, người đi làm xa về nhà ăn tết. Ai cũng có một quê hương để trở về.

Và sẽ không quá lời khi nói Tết cổ truyền là một di sản văn hoá, gìn giữ trong nó đầy đủ những giá trị tinh thần đặc trưng của con người và đất nước Việt Nam.

Hải Đăng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved