Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong bối cảnh quốc tế, hoạt động lưu trú du lịch chưa đạt mốc của năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19), trong đó một phần do xung đột Nga – Ukraina, thị trường Đông Bắc Á (nơi chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) chưa phục hồi hoàn toàn. Bên cạnh đó, những du khách châu Âu cũng có chiều hướng chọn các điểm đến gần thay vì tới thị trường xa như Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, xu hướng du lịch và hành vi của các du khách cũng có nhiều biến đổi như chọn những chuyến đi ngắn ngày, đi gần; hạn chế tiếp xúc đông người; yêu cầu cá nhân hóa dịch vụ hay hướng tới các khu vực thiên nhiên và hoạt động có lợi cho sức khỏe…

Điều này đặt ra cho chúng ta sự cân nhắc nhiều mặt khi dự báo; đặc biệt là đánh giá đúng những diễn biến khó lường đang diễn ra để có cách tiếp cận, thích ứng phù hợp đối với tiến trình phục hồi và phát triển bền vững của Du lịch Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Trong bối cảnh mới, xu hướng du lịch và hành vi của các du khách cũng có nhiều biến đổi.

Với chính sách visa mới, về phía các hãng hàng không, ban lãnh đạo Vietnam Airlines đã chỉ đạo các chi nhánh trong và ngoài nước đẩy mạnh truyền thông rộng rãi về chính sách thị thực mới của Việt Nam, trong đó có việc cập nhật điều này trong các hội thảo, hội chợ tại các thị trường để các đối tác, công ty du lịch nắm bắt cơ hội và mở rộng hợp tác trong giai đoạn tới.

Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam tập trung xây dựng những sản phẩm tour phù hợp với khách quốc tế đến từ các thị trường trọng điểm như Pháp, Mỹ, Ausralia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ.

Còn Công ty Hàng không Lữ hành Việt Nam – Vietravel Airlines, đã tăng đội máy bay lên sáu chiếc trong tháng 9/2023. Cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, công ty đã làm việc với các nhà chức trách hàng không tại khu vực Đông Bắc Á để sớm có chuyến bay thường lệ và chuyến bay thuê chuyến đến các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… Như vậy là du khách quốc tế có thêm sự lựa chọn bay để đến Việt Nam.

Tăng cường quảng bá điểm đến Việt Nam tại thị trường nước ngoài 

Theo đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cần phối hợp với các đơn vị du lịch, hãng hàng không xây dựng các chương trình tăng cường quảng bá điểm đến Việt Nam tại thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Australia, Ấn Độ. Bên cạnh đó, cần xem xét sớm thành lập văn phòng về xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm; đồng thời, triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu hành khách giữa các hãng hàng không, khách sạn, công ty du lịch để nâng cao trải nghiệm cho khách và phục vụ nghiên cứu thị trường.

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, trong những năm qua, hai ngành hàng không và du lịch đã luôn gắn bó, đồng hành và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của nhau. Khi dịch bệnh xảy ra, ngành du lịch, hàng không đã bị ảnh hưởng nặng nề. Hai ngành đã có sự thích ứng an toàn, linh hoạt nhằm nỗ lực phục hồi hoạt động.

Đoàn khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm trước Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh.

Để “cái bắt tay” giữa du lịch và hàng không ngày càng hiệu quả, ông Hà Văn Siêu cho rằng, cần mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam, nâng cao năng lực điều hành tại các cảng hàng không của Việt Nam; mở rộng, nâng cấp kết cấu hạ tầng ngành hàng không, xây dựng hệ sinh thái ngành hàng không – du lịch trên cơ sở cùng phát triển và kết nối với các ngành khác, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; phát triển đội ngũ nhân lực ngành hàng không và du lịch; tăng cường áp dụng công nghệ mới, tăng cường phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá…

Hiện nay, các hoạt động du lịch khởi sắc, các điểm đến trên toàn quốc đã đón và phục vụ 7,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong 8 tháng đầu năm 2023. Đến thời điểm này du lịch Việt Nam xem như đã về đích sau một năm bị “hụt hơi” về chỉ tiêu đón khách quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia du lịch cho rằng, du lịch Việt Nam cần nhìn nhận mục tiêu đón khách không chỉ là con số để hoàn thành nhiệm vụ, mà lợi ích của việc điều chỉnh mục tiêu là giúp cho ngành du lịch có những giải pháp, kế hoạch cụ thể, kịp thời. Vì vậy, ngành du lịch cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến uy tín và có sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Minh Châu