Thị phần hàng dệt may Việt Nam trên “sân nhà” ngày càng được gia tăng mạnh với hàng loạt thương hiệu “Made in Việt Nam” tạo ra sức hút hấp dẫn cho người tiêu dùng.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, đến nay hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ trên 90% tại các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước; chiếm 60 – 96% tại hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Xu hướng người Việt dùng hàng Việt đã dần phổ biến.
Nhiều năm qua, một số hãng thời trang hàng đầu trong nước như Tổng công ty May 10, Tổng công ty Đức Giang, Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng… đã và đang tập trung nghiên cứu, đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng nội địa. Cùng các giải pháp xúc tiến thương mại trong nước, doanh nghiệp đã từng bước nhận được sự yêu mến của người tiêu dùng.
Đơn cử, tại Tổng công ty May 10, để chinh phục thị trường trong nước, định hình xu hướng của ngành thời trang Việt, trong 30 năm qua, đơn vị liên tục cho ra đời nhiều nhãn hiệu thời trang công sở như: May10 Expert, May10 Classic, Eternity GrusZ, Cleopatra,…Riêng lĩnh vực thời trang bán lẻ, May 10 hiện có hơn 20 nhãn hiệu các loại, với hơn 60 cửa hàng, trung tâm thời trang và hơn 200 đại lý trên toàn quốc.
Tương tự với Tổng công ty Ðức Giang, những năm qua, đơn vị luôn tập trung đầu tư cho khâu sản xuất, hợp tác với nước ngoài để tiếp thu kỹ năng chuyển giao công nghệ quản lý sản xuất, phát triển sản phẩm mới nhằm tăng trưởng xuất khẩu và cạnh tranh tại thị trường trong nước. Ðến nay, công ty đã đưa ra thị trường nhiều thương hiệu thời trang như Paul Downer, DGC, S.Pearl, HeraDG, Forever Young…
Ngoài những doanh nghiệp trên, các đơn vị khác như Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng… cũng không ngừng đầu tư cải tiến mẫu mã, mở rộng chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm nhằm gia tăng thị phần, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Thị trường thời trang trong nước dự kiến sẽ ngày càng cạnh tranh gay gắt khi các hãng thời trang lớn trên thế giới như Chanel, Mango, Zara, H&M, Uniqlo, hay mới đây là thương hiệu thời trang của Hàn Quốc và Italy “đổ bộ” vào Việt Nam, không ngừng thu hút sự quan tâm, mua sắm tiêu dùng của giới trẻ. Do đó, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng và phát triển thị trường theo cách riêng, không thể sao chép cách làm của các thương hiệu lớn khi mở các trung tâm, cửa hàng một cách ồ ạt mà phải dựa trên nền tảng phân tích nội lực, phù hợp với người Việt Nam.
Song song với đó, doanh nghiệp được khuyến cáo đẩy mạnh các giải pháp tận dụng ưu tiên từ Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhằm đưa sản phẩm chất lượng chiếm lĩnh tốt thị trường nội địa.
Ông Vũ Ðức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, các doanh nghiệp trong nước đang hướng đến thị trường nội địa với quy mô gần 5 tỷ USD, bằng cách thay đổi và ứng dụng nhiều phương thức để thiết kế mẫu sản phẩm, quảng bá nhãn hàng nhằm chinh phục thị trường. Hiệp hội sẽ tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp, phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại… nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa và phát triển thị trường.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhìn nhận, hiện các doanh nghiệp đang ở thời điểm thuận lợi để tập trung vào thị trường trong nước, bởi nếu 10 năm trước đây, người tiêu dùng Việt Nam chuộng sử dụng hàng may sẵn xuất xứ từ nước ngoài do giá rẻ, thì hiện nay không ít người tiêu dùng theo xu hướng chuyển sang lựa chọn hàng may mặc của Việt Nam để tìm đến với các sản phẩm chất lượng hơn.
Thu Trang