Trung Quốc vẫn là thị trường thiết yếu đối với hầu hết các nhà sản xuất chip của Mỹ bất chấp nỗ lực của Washington nhằm hạn chế doanh số bán chip cho nước này.
Dữ liệu mới từ S&P Global cho thấy các gã khổng lồ chip Mỹ Intel, Broadcom, Qualcomm và Marvell Technology đã tạo ra nhiều doanh thu từ thị trường Trung Quốc hơn so với Mỹ. Đây là điều khá bất ngờ khi Washington trong vài năm qua đã rất tích cực “phong tỏa” ngành bán dẫn Trung Quốc.
Nghiên cứu của Chris Rogers, Trưởng nhóm nghiên cứu chuỗi cung ứng của S&P Global, chỉ ra Trung Quốc đại lục vẫn là một thị trường khổng lồ đối với hầu hết các nhà cung cấp chất bán dẫn, nhà cung cấp thiết bị và nhà cung cấp nguyên liệu thô chính thống trên thế giới. Dữ liệu bán hàng theo địa lý cho thấy thị trường Trung Quốc đại lục chiếm tới 30% doanh thu của 10 công ty chip lớn nhất. Trong khi đó, thị trường Mỹ chiếm 25%.
Điều này cho thấy ngoài các chip tiên tiến nhất dành cho AI hay quân sự, quan hệ thương mại ngành bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tương đối chặt chẽ.
Chris Miller, tác giả cuốn sách “Chip War” cho biết: “Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng đối với các nhà sản xuất chip của Mỹ. Các hạn chế của Mỹ trong việc bán chip AI tiên tiến cho Trung Quốc đã được thiết kế đặc biệt để cho phép hầu hết các công ty Mỹ vẫn tiếp tục được bán phần lớn các loại chip khác cho khách hàng Trung Quốc”.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn công nghệ Omdia, Trung Quốc tiêu thụ gần 50% sản lượng bán dẫn của thế giới vì đây là thị trường lắp ráp thiết bị tiêu dùng lớn nhất.
Các nhà sản xuất chip của Mỹ, vốn đang dẫn đầu về công nghệ so với các đối thủ Trung Quốc, đã có thể khai thác nhu cầu này khi các lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ tập trung vào một số sản phẩm rất cụ thể.
Không dễ bỏ thị trường Trung Quốc
Không thể dễ dàng rời bỏ thị trường Trung Quốc béo bở, các nhà sản xuất chip của Hoa Kỳ như Micron Technology, AMD và Nvidia, đã phải điều chỉnh nhằm cố gắng phục vụ các khách hàng Trung Quốc giàu có ngay cả khi đối mặt với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ chính phủ.
Ngay từ khi làn sóng hạn chế đầu tiên của Mỹ có hiệu lực vào cuối năm 2022, Nvidia và Intel đã thiết kế các phiên bản sửa đổi của sản phẩm chip AI dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Sau một năm, chính phủ Mỹ đã cập nhật các quy tắc xuất khẩu để giải quyết những lỗ hổng này. Tuy nhiên, ngay sau đó, CNBC cho rằng có thông tin Nvidia đang nghiên cứu một con chip AI mới để sản xuất cho Trung Quốc nhưng vẫn đáp ứng các điều kiện của Mỹ.
Intel cũng được cho là nhận được giấy phép xuất khẩu từ thời ông Donald Trump để tiếp tục bán chip xử lý máy tính xách tay trị giá hàng trăm triệu USD cho công ty viễn thông Trung Quốc Huawei. AMD cũng đã thiết kế chip AI cho Trung Quốc nhưng sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu sau khi không vượt qua được cơ quan quản lý của Mỹ vào tháng trước.
Các giám đốc điều hành của Intel, Qualcomm và Nvidia, cũng được cho nằm trong nhóm vận động các nhà lập pháp chống lại các hạn chế chặt chẽ hơn về chip vào tháng 7 năm 2023. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ thời điểm đó đã đề nghị ông Joe Biden giảm bớt căng thẳng và tạm dừng các lệnh trừng phạt tiếp theo do tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với các công ty chip trong nước.
Trong khi đó, Micron vẫn đang xây dựng một cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp mới tại một địa điểm hiện có ở Tây An, Trung Quốc, vì quốc gia này “vẫn là một thị trường quan trọng đối với Micron và ngành công nghiệp bán dẫn”, một phát ngôn viên của công ty nói với CNBC. Họ cho biết, việc sản xuất ước tính sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2025.
Nỗi lo thị phần tại Trung Quốc
Sự lo lắng của các nhà sản xuất Mỹ là có cơ sở, khi Trung Quốc đang rất nỗ lực tự lực xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trong nước để đáp trả phương Tây.
Điển hình, điện thoại thông minh Mate 60 Pro của Huawei mang theo con chip tiên tiến được sản xuất bởi nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, SMIC. Chris Miller cho biết, chính phủ Trung Quốc đang “ngày càng tập trung” vào việc thuyết phục các công ty của mình mua chip sản xuất trong nước.
“Các công ty nước ngoài sẽ mất thị phần ở Trung Quốc, trừ khi họ có lợi thế công nghệ đáng kể so với các đối thủ nội địa Trung Quốc”, ông Miller nói.
Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng khi dường như Trung Quốc vẫn chưa thể hoàn toàn làm chủ công nghệ. Ngay cả chip 5nm trên dòng điện thoại của Huawei cũng được các chuyên gia chỉ ra là được chế tạo dựa trên các công nghệ của Mỹ – mà Trung Quốc có được từ trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
Theo Brady Wang, Phó giám đốc tại Counterpoint Research, ở phân khúc thị trường GPU AI, các công ty Mỹ như Nvidia và Intel được ước tính dẫn đầu về công nghệ so với các đối thủ Trung Quốc khoảng 3 đến 5 năm. Ông nói thêm: “Chúng tôi tin rằng Trung Quốc vẫn có thể xây dựng chuỗi cung ứng GPU địa phương cho các phân khúc thị trường cụ thể, nhưng số lượng sẽ hạn chế và chi phí sẽ cao hơn nhiều”.
Trường Đặng