Chuyển tới nội dung

Các nước Bắc Âu và Việt Nam trao đổi kiến thức và kinh nghiệm phát triển đô thị xanh và bền vững

Mới đây, tại TP.HCM, Đại sứ quán các nước Bắc Âu tại Việt Nam (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tại TP.HCM đã tổ chức hội thảo về chủ đề “Thủ đô Xanh Bắc Âu – Lãnh đạo, Quản lý, Bền vững và Đổi mới sáng tạo”.

Hội thảo được tổ chức hình thức kết hợp tại chỗ và trực tuyến qua video giữa TP.HCM và bốn thủ đô Bắc Âu, với mục đích là tạo điều kiện, thúc đẩy trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và các bài học thành công giữa các nước Bắc Âu, cũng như Việt Nam trong việc phát triển đô thị theo hướng xanh, sáng tạo và bền vững. Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ của các nước Bắc Âu cho Việt Nam trong quá trình phấn đấu đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là SDG 11 về Phát triển các đô thị toàn diện, an toàn, chống chịu và bền vững.

IMG_8544

Sự kiện này, đã thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện cấp cao và các nhà hoạch định chính sách từ các cơ quan chính phủ Việt Nam, các chuyên gia trong nước, các nhà nghiên cứu học thuật…

Trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và ấn tượng cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam, đã dẫn đến những thách thức nghiêm trọng mà các thành phố phải đối mặt như ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông, các vấn đề về quản lý nước, chất thải và chống chịu với biến đổi khí hậu.

IMG_8518

IMG_8503 (1)

Tại hội thảo, Đại sứ các nước Bắc Âu tại Việt Nam phát biểu: “Các nước Bắc Âu chúng tôi rất tự hào được là những người bạn lâu năm và những người hỗ trợ mạnh mẽ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội ấn tượng của Việt Nam. Trọng tâm hiện nay là chuyển đổi sang phát triển xanh hơn và bền vững. An ninh kinh tế phải đi đôi với an ninh xã hội và môi trường. Trong thập kỷ vừa qua, thủ đô của các nước Bắc Âu bao gồm Copenhagen, Helsinki, Oslo và Stockholm đã đưa ra những quyết định chính trị và hành chính táo bạo để giải quyết các thách thức về đô thị hóa, biến đổi khí hậu và môi trường. Chúng tôi rất vui khi được chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm đúc kết từ các nước Bắc Âu và hy vọng những kiến thức và kinh nghiệm này sẽ hữu ích và truyền cảm hứng cho các đối tác và bạn bè Việt Nam quá trình nỗ lực lãnh đạo đưa đất nước và các thành phố của Việt Nam chuyển đổi theo hướng phát triển xanh và bền vững”.

IMG_8502

Từ góc độ tăng trưởng, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ nhận định: “Thành tích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá ấn tượng, song những động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư cao và lao động giá rẻ đang dần cạn kiệt. Trong thập niên kế tiếp, chắc chắn phát triển đô thị sẽ là một động lực tăng trưởng chính của Việt Nam. Thách thức của đô thị hóa ở Việt Nam là làm thế nào để gia tăng năng lực cạnh tranh của đô thị nhưng vẫn kiểm soát được các ngoại tác tiêu cực như ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn giao thông, đồng thời ứng phó hiệu quả với thiên tai và biến đổi khí hậu để các đô thị thực sự là nơi đáng sống và an toàn. Tôi tin rằng “hồi phục xanh” phải trở thành kim chỉ nam cho chiến lược và chính sách phát triển đô thị nói riêng và nền kinh tế nói chung của Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Kinh nghiệm phong phú của các nước Bắc Âu về đô thị hóa, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ là nguồn tham khảo hết sức quý báu cho Việt Nam trong quá trình thực hiện chiến lược này”.

IMG_8520

IMG_8550

Theo đó, những thông tin về thành tựu ‘tăng trưởng xanh’ của các thủ đô Bắc Âu cũng được nêu lên trong hội thảo, cụ thể:

Copenhagen: Đặt mục tiêu trở thành thủ đô carbon trung tính đầu tiên trên thế giới vào năm 2025, dự báo dân số của thành phố sẽ tăng 20% trong thập kỷ tới. Điều này mở ra cơ hội để thành phố chứng minh rằng việc kết hợp tăng trưởng, phát triển, đổi mới, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống với mức phát thải CO2 thấp hơn là hoàn toàn khả thi. Copenhagen đưa ra Kế hoạch Khí hậu đầu tiên của mình vào năm 2009 và đã đạt được mức giảm phát thải CO2 đáng kể. Thành phố cũng ban hành nhiều chính sách môi trường quan trọng như không khí sạch, giảm tiếng ồn, nước uống từ vòi và không gian xanh giúp nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân một cách đáng kể.

Helsinki: Là thành phố đầu tiên ở Châu Âu tiến hành rà soát Địa phương Tự nguyện, nhằm đánh giá mức độ phù hợp giữa chiến lược của thành phố và các SDG của Liên Hợp Quốc. Rà soát Địa phương Tự nguyện cho thấy các kế hoạch chiến lược của thành phố được xây dựng phù hợp với các SDG như: Quy hoạch Thành phố Helsinki, được phê duyệt trong năm 2016, xác định hướng đi rõ ràng và bền vững cho sự phát triển của thành phố trong khoảng 30 năm tới. Mục tiêu bao gồm đảm bảo người dân có thể dễ dàng tiếp cận mọi khu vực của thành phố bằng phương tiện giao thông công cộng. Đi bộ và đi xe đạp sẽ được ưu tiên hàng đầu, và cấu trúc đô thị của thành phố phải cho phép người dân tiếp cận các dịch vụ hàng ngày một cách thuận tiện. Cấu trúc đô thị tập trung và giao thông bền vững đóng vai trò quan trọng trong các mục tiêu tham vọng về khí hậu của Helsinki. Mục tiêu của Helsinki là trở thành thành phố carbon trung tính vào năm 2035.

Oslo: Đặt ra các mục tiêu tham vọng giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, Oslo đã thông qua chiến lược khí hậu mới, với mục tiêu chính là tới năm 2020 giảm lượng phát thải của Oslo xuống còn 50%, và năm 2030 còn 5% so với mức phát thải của năm 1990, không phải thông qua hình thức mua hạn ngạch khí thải mà bằng cách thực hiện các biện pháp thực sự cắt giảm lượng khí thải. Năm 2017, lần đầu tiên thành phố có một ngân sách dành riêng cho các hoạt động khí hậu và đó là một công cụ quản trị mang tính đột phá. Ngân sách khí hậu là phương tiện hỗ trợ chính quyền thành phố trong việc xác định những lĩnh vực nào cần cắt giảm phát thải và ai là người chịu trách nhiệm, chẳng hạn như giao thông công cộng và xây dựng.

Stockholm: Năm 2010, được vinh danh là Thủ đô Xanh châu Âu đầu tiên, nhờ vào những kết quả đạt được trong cắt giảm lượng khí thải carbon và các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Năm 2016, Stockholm đã thông qua mục tiêu không sử dụng năng lượng hóa thạch vào năm 2040. Từ năm 1990 đến nay, thành phố đã cắt giảm 50% lượng khí thải carbon trên mỗi người dân. Đầu tháng 10/2019, Stockholm khởi động sáng kiến có tên gọi “Thỏa thuận Xanh toàn cầu mới” của C40 (mạng lưới các thành phố lớn trên thế giới). Sáng kiến này, nhằm tập hợp những thành phố sẵn sàng giảm lượng khí thải carbon phù hợp với mục tiêu hạn chế nhiệt độ nóng lên trong phạm vi 1,5 độ C được đề ra trong Thỏa thuận chung Paris.

Quá trình chuyển đổi sang đô thị xanh và bền vững ở thủ đô các nước Bắc Âu, là nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy đổi mới, tạo việc làm, cũng như tăng trưởng xanh đòi hỏi phải có kế hoạch dài hạn và cách tiếp cận đa bên. Vì vậy, sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách địa phương, các cơ quan chính quyền đô thị, khu vực tư nhân, các tổ chức môi trường và khí hậu, cũng như sự ủng hộ của người dân đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập các mục tiêu và thực thi chính sách.

Các nước Bắc Âu bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển cũng như Quần đảo Faroe, Greenland và Quần đảo Åland. Kể từ khi được ký kết năm 1962, Hiệp định Helsinki trong đó có “hiến pháp” hợp tác của khu vực Bắc Âu, đã tác động tới cuộc sống của rất nhiều người dân tại các quốc gia Bắc Âu, bởi nó đã tạo ra một mô hình hợp tác chính trị khu vực lâu đời nhất và đa dạng nhất trong suốt hơn 6 thập kỷ qua. Không phải ngẫu nhiên mà một khu vực với chỉ 27 triệu dân, và thậm chí không thể lọt vào danh sách 50 nước đứng đầu thế giới về dân số, lại trở thành một trong những khu vực hội nhập nhất với những giá trị và mục tiêu phát triển chung. Chính vì vậy, các nước Bắc Âu luôn dẫn đầu nhiều bảng xếp hạng và chỉ số đo lường của thế giới về: Sáng tạo; Hạnh phúc; Phát triển con người; Phúc lợi công dân; Quản trị nhà nước; Minh bạch; Bình đẳng; Tiến bộ xã hội; Phát triển bao trùm; Tính bền vững và nhiều hơn nữa. Bắc Âu cũng được công nhận rộng rãi là các quốc gia đi đầu về kỹ thuật số ở Châu Âu và trên toàn thế giới.

Theo Xếp hạng Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) của Liên Hợp Quốc năm 2020, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển đều là các nước có chỉ số xếp hạng EGDI rất cao. Cả 4 nước Bắc Âu này, đều nằm trong những nước châu Âu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ rất sớm (Thụy Điển: 1969, Đan Mạch và Na Uy: 1971, Phần Lan: 1973).

Trong những năm qua, các nước Bắc Âu đã và vẫn đang là những người bạn tốt và đáng tin cậy của Việt Nam kể cả trong thời kỳ khó khăn. Các nước Bắc Âu tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam và ủng hộ các nỗ lực nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy công bằng, dân chủ, tôn trọng quyền con người, bảo vệ môi trường và hòa nhập, nền tảng của sự thịnh vượng và phát triển bền vững.

T.Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved