Thời điểm này, bà con nông dân đang chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Theo đó, tại làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang tất bật vào vụ, chăm sóc vụ hoa cuối của năm để có những bông hoa rực rỡ đưa ra thị trường ngày Tết.
Những ngày này, người nông dân Tây Tựu tranh thủ xuống vườn chăm sóc các diện tích hoa đã trồng để phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán. Theo chia sẻ của anh Phan Hữu – người trồng hoa cúc lâu năm ở làng Tây Tựu, tranh thủ buổi sáng anh xuống vườn để ngắt những bông cúc nhỏ, không đạt chất lượng, chỉ để lại nụ chính to để hoa bung nở đẹp.
“Hoa cúc trồng mất tầm 3-4 tháng là được thu hoạch, vườn nhà tôi hơn 3 vạn bông, việc chăm sóc cũng khá vất vả, phải xem thời tiết thay đổi để ứng biến”, anh Hữu chia sẻ.
Để có được lứa hoa phục vụ người dân chơi trước Tết Âm lịch, nhiều hộ trồng hoa gieo trồng hoa cúc cách đây khoảng 1 tháng, hiện nhiều luống hoa đã phát triển cao hơn mặt đất từ 30-50 cm. Người trồng hoa ở đây cho biết, ở thời điểm hiện tại, hoa nở sớm sẽ cắt bán từ Tết Dương lịch và rằm tháng Chạp; loại đang trồng, vừa gieo giống sẽ để bán dịp Tết Âm lịch.
Làng hoa Tây Tựu hiện có gần 300 ha đất trồng hoa, đây là nơi cung cấp hoa tươi chủ yếu cho nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Những loại hoa chủ lực dịp Tết là hoa ly, hoa cúc, hoa hồng…
Cũng giống nhu làng hoa Tây Tựu, làng hoa Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) là một trong những “thủ phủ” hoa và cây cảnh lớn ở miền Bắc. Cứ mỗi dịp gần Tết đến xuân về, hàng trăm tiểu thương tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đã đến thu mua hoa, cây cảnh… phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Anh Đức Duy (chủ nhà vườn Đức Duy tại Xuân Quan) chia sẻ: “Mặc dù thời gian từ nay tới Tết còn khá dài nhưng thị trường cây cảnh và hoa Tết đã bắt đầu sôi động. Hiện nay chủ yếu là các thương lái đến đặt hàng, còn người dân đến tham quan là chính”.
Cũng theo anh Đức Duy, do tình hình năm nay khó khăn nên anh chủ động giảm sản lượng khoảng 30% số lượng cây so với mọi năm. Đồng thời tập trung vào hoa, cây cảnh có chi phí phù hợp với người tiêu dùng, thay vì các loại hoa cây cảnh đắt tiền.
Theo bà Bích Thuỷ (chủ nhà vườn tại Xuân Quan) cho hay, thị trường năm nay dự đoán sẽ ưa chuộng các cây quất dáng bonsai nhỏ, để ở bàn. Ngoài ra những cây ăn trái như đu đủ, sung, cóc… dáng bonsai cũng được nhiều người yêu thích, vì vừa trưng bày làm cây cảnh, vừa có thể tận dụng ăn quả và có giá 150.000 đồng – 300.000 đồng/cây tuỳ loại và thế cây.
Thị trường cây cảnh năm nay có mức giá ổn định, trung bình giá tầm 500.000 đồng – 3 triệu đồng được nhiều người lựa chọn. Cụ thể, cây trầu bà có giá dao động khoảng 400.000 đồng – 1 triệu đồng/cây tuỳ kích thước; cây trúc cảnh có khoảng 200.000 đồng – 350.000 đồng/cây; cây vạn tuế có giá khoảng 300.000 đồng – 600.000 đồng.
Gần đến ngày Tết, các nhà vườn đều tập trung nguồn lực, thuê thêm nhân công để chăm sóc cây và hoa. Đây là thời điểm người nông dân phải chăm sóc cây cẩn thận, từ việc giữ thế cho cây, cắt tỉa cành, chú ý chế độ dinh dưỡng, độ ẩm để cây phát triển tốt nhất phục vụ thị trường Tết năm nay.
Ngoài trồng cây cảnh, những người nông dân ở đây cũng trồng một số loại hoa như cúc vàng, mâm xôi, thược dược, cẩm chướng, hoa ly, địa lan, dạ yến thảo, cát tường… Giá trung bình chỉ từ 20.000 đồng – 100.000 đồng cho những chậu hoa nhỏ, tùy vào loại hoa.
Do mùa đông ấm nên các nhà vườn đang phải áp dụng các biện pháp hãm hoa nở đúng dịp Tết. Theo dự báo phải sát Tết Âm lịch, không khí mua sắm ở thủ phủ cây cảnh Văn Giang mới thực sự sôi động.
Tú Linh