doimoisang

 

Kỳ vọng sự đổi mới từ các thành tố

Covid-19 và suy thoái kinh tế dẫn đến sụt giảm trong hoạt động đầu tư năm 2020, với tổng giá trị đầu tư giảm 48% so với năm 2019. Tuy nhiên, số lượng thương vụ trong năm 2021 đã có sự phục hồi nhanh chóng với tổng giá trị đầu tư đạt hơn 1,3 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay đối với thị trường đầu tư công nghệ.

Điều mà hầu hết nhà đầu tư có thể nhận thấy là sự phục hồi mạnh mẽ trên mọi quy mô đầu tư. Hầu hết các vòng gọi vốn đều đạt con số cao hơn cả về số lượng và quy mô thương vụ so với kết quả của năm 2020, đặc biệt có sự gia tăng đáng chú ý trong các khoản đầu tư từ 500.000 USD đến 3 triệu USD và trên 50 triệu USD.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Saigon Innovation Hub, thanh toán và bán lẻ tiếp tục là những lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm và chiếm ưu thế trong tổng giá trị đầu tư. Song, vốn đầu tư rót vào các lĩnh vực mới nổi như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tự động hóa doanh nghiệp đều có sự tăng trưởng đáng kể so với năm 2020, trong đó đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đạt mức cao kỷ lục.

Theo khảo sát của Do Ventures với 50 quỹ đầu tư đang hoạt động tại 6 thị trường khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan), Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu trong 12 tháng tới, tiếp theo là Indonesia.

Đánh giá về triển vọng đầu tư vào thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong năm 2022, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viet Lotus kỳ vọng, năm nay sẽ là bản lề cho giai đoạn bùng nổ sắp tới. Theo đó, các cơ chế chính sách trở thành động lực của đổi mới sáng tạo.

Cần nguồn lực từ doanh nghiệp nội

Là một doanh nghiệp không ngừng đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I Group cho biết, doanh nghiệp ông vẫn liên tục hoạt động đầu tư này trong 30 năm qua theo 3 hình thức.

Thứ nhất, thông qua quá trình làm việc, tìm tòi ở nước ngoài, nếu thấy giải pháp phù hợp, U&I sẽ tìm cách đưa về Việt Nam áp dụng.

Thứ hai, U&I đầu tư vào những dự án đang trong quá trình nghiên cứu.

Thứ ba, đầu tư vào các nhà sáng lập ý tưởng nhưng chưa thể triển khai thương mại hóa sản phẩm.

Điểm cộng của hoạt động đầu tư này, theo ông Tín, là được làm việc với những người giỏi hơn mình và có thể học nhiều điều hay từ họ. Ngược lại, sẽ rất thiệt hại nếu đặt niềm tin sai chỗ.

“Tôi đầu tư liên tục, thấy thú vị thì tham gia. Bởi nếu còn làm doanh nghiệp thì bắt buộc phải đổi mới sáng tạo liên tục”, ông Tín nói và lấy ví dụ về nỗ lực đổi mới trong chính doanh nghiệp này ở khía cạnh quản trị, liên quan đến tạo động lực cho người lao động.

Nghĩa là phát triển sao cho người lao động hiện có tại doanh nghiệp thành những doanh nhân thực thụ. Ông Tín lấy ví dụ ở Mỹ, mô hình tự quản, doanh nghiệp trong doanh nghiệp đã được nhiều tổ chức áp dụng và mang lại hiệu quả.

U&I cũng đã thử nghiệm và tin tưởng rằng, phương thức quản trị này sẽ phát huy hiệu quả khi đưa người lao động trở thành những doanh nhân trong chính doanh nghiệp của mình.

“Chúng tôi đang triển khai mô hình này và kỳ vọng sẽ thành công ở một vài đơn vị trong tổ chức của mình. Đó là mục tiêu thú vị cũng mang tính đổi mới sáng tạo trong quản trị doanh nghiệp”, Chủ tịch U&I Group chia sẻ.

Các tập đoàn, doanh nghiệp nội ngày càng thể hiện vai trò rõ nét hơn trong hệ sinh thái khởi nghiệp, cũng chính là kỳ vọng của ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Ông Quất cho biết, trong năm tới, Bộ Khoa học và Công nghệ dự định tham mưu Chính phủ trong việc thu hút nguồn lực từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Trong đó, các start-up sẽ tận dụng công nghệ của mình để đưa ra lời giải cho những bài toán đến từ thực tiễn được đặt ra bởi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Ngược lại, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ hỗ trợ start-up bằng những nguồn lực sẵn có để hiện thực hóa các lời giải.

Theo BĐT