Chuyến thăm của Thủ tướng Đức

Hôm Chủ Nhật, 13 tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có buổi gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Hà Nội, chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Đức trong vòng hơn một thập kỷ, hai bên cùng thảo luận về quan hệ năng lượng và thương mại.

OlafScholz

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có buổi gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Hà Nội vừa qua.

Việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz dừng chân tại Việt Nam, trên đường tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 ở Indonesia, đã nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi nhiều công ty Đức cân nhắc việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất bằng cách mở rộng sự hiện diện ra ngoài Trung Quốc, trung tâm chính của họ ở châu Á.

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Scholz cho biết Berlin muốn có quan hệ thương mại sâu sắc hơn với Việt Nam và sẽ hỗ trợ đất nước chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn, bao gồm cả việc mở rộng hệ thống tàu điện ngầm ở Hà Nội.

Theo hãng thông tấn Reuters, chuyến thăm Hà Nội tiếp sau chuyến đi của Thủ tướng Scholz tới Trung Quốc vào tuần trước, chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo phương Tây trong ba năm kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Ông sẽ đến Singapore trước khi dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào các ngày 15-16 / 11 tới đây.

“Vấn đề Trung Quốc” của nước Đức

Ngay trước chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Olaf Scholz đã tới Trung Quốc vào tuần trước. Chuyến thăm mà truyền thông nước này coi là một sự “minh họa cho các vấn đề phụ thuộc của nước Đức với Trung Quốc”.

VW

Nhiều công ty và tập đoàn lớn của Đức đang phát triển phụ thuộc vào Trung Quốc.

Theo đó, các công ty công nghiệp khổng lồ của Đức như BASF, Siemens hay là Volkswagen đã phát triển phụ thuộc vào Trung Quốc giống như cái cách mà nước này đã từng phụ thuộc vào khí đốt của Nga và giờ đây đang đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.

Theo hãng thông tấn nổi tiếng của nước Đức, Deutsche Welle, mặc dù thương mại toàn cầu bị hạn chế trong ba năm qua vì đại dịch, nhưng dường như các công ty Đức không có nỗ lực nào đáng kể để đa dạng hóa các lĩnh vực khác.

Một cuộc khảo sát gần đây của Ifo think tank cho thấy gần một nửa số công ty công nghiệp của Đức phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Trong khi các công ty nước này đang chiếm 43% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU vào Trung Quốc trong vòng 4 năm qua. Thương mại của Trung Quốc với Đức có trị giá tổng cộng 245 tỷ euro vào năm 2021.

Chính vì vậy, ngay cả trong nội các của Đức cũng đang bị chia rẽ bởi việc nước này có nên tiếp tục coi Trung Quốc là nơi đầu tư chính tại châu Á hay không.

Gần đây, Chính phủ nước này đã ngăn chặn hai thương vụ mua lại của các công ty Trung Quốc đối với các công ty trong ngành bán dẫn, một lĩnh vực quan trọng mà Bắc Kinh đang nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng.

Trước đó, đã diễn ra thương vụ mua lại một phần nhà ga cảng Hamburg, cảng lớn nhất của Đức, bởi công ty Cosco của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck và một số quan chức nội các.

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck đã lên tiếng mạnh mẽ về những nỗ lực của chính phủ ông trong việc xem xét lại các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, ông nói rằng “Chúng ta phải đa dạng hóa”, trong một cuộc trò chuyện trên Deutsche Welle sau nhiều tuần tranh cãi về cách tiếp cận của Đức với Trung Quốc.

Các công ty Đức sẽ “chọn” Việt Nam?

Trên thực tế, Việt Nam và Singapore hiện là hai quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Do đó, họ là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khu vực.

bosch

Liệu các “gã khổng lồ” như Bosch sẽ đa dạng chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc?

Theo công ty luật Dezan Shira, Đức là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong số các nước EU sau Hà Lan, với giá trị thương mại vào khoảng 7,8 tỷ USD vào năm ngoái, tuy nhiên, so ra vẫn còn ít hơn nhiều so với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Song, hiện đang có đến gần 500 công ty Đức đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có khoảng 80 công ty có nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, trong số đó có những “gã khổng lồ” như là Bosch hay là công ty năng lượng Messer và một số công ty nhỏ hơn tham gia vào chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu, theo Phòng Thương mại Đức tại Việt Nam, AHK, cho biết.

Theo ông Marko Walde, người đứng đầu AHK tại Việt Nam, tiết lộ, hơn 90% các công ty Đức đang có kế hoạch chuyển dịch sang Đông Nam Á, đồng thời lưu ý rằng Việt Nam và Thái Lan là những địa điểm được yêu thích trong khu vực.

Điều này dường như là cũng phù hợp với quan điểm của Chính phủ Đức khi Phó Thủ tướng Robert Habeck mới đây đã từng trả lời câu hỏi “làm thế nào Berlin có thể khuyến khích các công ty Đức đầu tư vào các nền kinh tế châu Á khác, ngoài Trung Quốc”, ông cho biết chính phủ nước này đang xem xét sửa đổi các đảm bảo của mình đối với các khoản đầu tư của các công ty Đức ra nước ngoài.

“Nếu các công ty muốn đầu tư vào Trung Quốc bằng một số tiền nhất định, giả sử 3 tỷ euro, họ có thể làm điều đó, nhưng chúng tôi sẽ không đảm bảo điều đó nữa. Và chúng tôi sẽ đảm bảo đầu tư nhiều hơn vào các quốc gia khác”, ông Habeck cho biết.

Mặc dù chưa thể khẳng định chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Olaf Scholz tới Việt Nam sẽ là động lực để các doanh nghiệp Đức tiếp tục đầu tư mở rộng tại Việt Nam, nhưng đó có thể sẽ là một chỉ dấu, cho thấy vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Và một khi các công ty Đức cân nhắc việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất bằng cách mở rộng sự hiện diện ra ngoài Trung Quốc, Việt Nam có thể sẽ là điểm đến tiềm năng.

Nguyễn Chuẩn