Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch để đảm bảo phục vụ tiêu dùng, trong đó chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu, đặc sản vùng miền…
Hiện các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7%-25% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024 nhằm sẵn sàng phục vụ nhân dân, trong đó những mặt hàng thực phẩm, rau củ quả cũng được các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh thu mua, sản xuất nhằm kịp thời cung ứng cho người dân những ngày cao điểm tiêu dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống siêu thị BRGMart chia sẻ, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, BRGMart đã phối hợp với các nhà cung cấp dự báo sản lượng tiêu thụ và lên kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết tăng gấp 2-3 lần các tháng trong năm. Bên cạnh đó, hệ thống tiến hành nhập hàng, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hoạt động tốt vào cao điểm tháng 11, 12, đảm bảo kiểm soát hàng hóa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch nguồn gốc, tốt cho sức khỏe của khách hàng và bình ổn giá thị trường.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, lượng hàng phục vụ dịp cuối năm của đơn vị tăng khoảng 30-40% so với bình thường và tăng gần 10% so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Về giá bán, đơn vị chủ trương duy trì giá bình ổn, thậm chí tăng khuyến mại.
“Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp và phần lớn ủng hộ việc duy trì giá bán bình ổn, riêng mặt hàng rau, đơn vị đã ký hợp đồng, hỗ trợ vốn cho 7 nhà cung cấp lớn, nên những mặt hàng chủ lực như cà rốt, cà chua, bắp cải, khổ qua, dưa leo… dự kiến có giá tốt hơn so với thị trường”, bà Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định.
Phía siêu thị WinMart Thăng Long, bà Nguyễn Thị Hoài Thương, Giám đốc siêu thị WinMart Thăng Long cho biết, hệ thống WinMart/WinMart+ đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong những tháng cuối năm, khi thị trường thường có sự gia tăng về sức mua, dự kiến khoảng trên 20%.
“Riêng đối với mặt hàng thực phẩm như thịt heo, thịt gà và rau củ cho cuối năm và Tết Nguyên đán, để chuẩn bị cho các dịp cao điểm cuối năm và lễ Tết, hệ thống WinMart/WinMart+ đã tích cực đàm phán, làm việc với các nhà cung cấp từ 2-3 tháng trước đó để thu mua sản lượng lớn và đảm bảo giá thành đầu vào”, bà Nguyễn Thị Hoài Thương chia sẻ.
Đại diện các doanh nghiệp phân phối khác như: Saigon Co.op, HaproMart, Central Retail… cũng cho biết đang chuẩn bị nguồn hàng và kế hoạch kinh doanh phục vụ Tết Nguyên đán 2025, với lượng hàng dự kiến tăng khoảng 25-30% so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã triển khai các giải pháp phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa của người dân Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2025, trong đó, chú trọng đến những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa…
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết bảo đảm nguồn cung từ khá sớm. Đến nay, các doanh nghiệp đã khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình 7%-25% tùy mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để sẵn sàng phục vụ nhân dân.
Về phía hệ thống phân phối, ông Hiệp cho hay, các đơn vị bán lẻ đã đàm phán với doanh nghiệp sản xuất về nguồn cung cũng như giá cả từ cách đây 3-6 tháng, để chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Tại TP.HCM, để chuẩn bị nguồn hàng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cùng các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ và thực phẩm đã khẩn trương triển khai các kế hoạch bình ổn giá, kích cầu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý. Trong đó, chương trình bình ổn năm nay có nhiều doanh nghiệp tham gia hơn năm ngoái. Các doanh nghiệp còn bổ sung muối, nước uống vào nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu…
Theo Sở Công thương thành phố, dự kiến, năm nay, doanh nghiệp chuẩn bị khoảng 23 nghìn tỷ đồng phục vụ 2 tháng mùa Tết Nguyên đán 2025, trong đó có khoảng 9.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Danh mục hàng bình ổn đợt này được mở rộng, bổ sung nhiều mặt hàng. Doanh nghiệp tham gia chương trình được hỗ trợ giá thuê mặt bằng kinh doanh, bán lẻ, hỗ trợ dịch vụ vận chuyển hàng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu…
Tú Anh