Khi Bắc Kinh là lựa chọn không tồi

Theo Reuters dẫn lời một nguồn tin trong ngành ngân hàng Trung Quốc cho biết, trong vài ngày qua, có đến gần 300 công ty đã tiếp cận các ngân hàng của Trung Quốc đang thiết lập chi nhánh tại Nga, và muốn mở tài khoản mới.

FILE PHOTO: People walk past a branch of Industrial and Commercial Bank of China (ICBC) in Beijing

Gần 300 công ty muốn mở tài khoản mới tại các ngân hàng của Trung Quốc tại Nga.

Trên thực tế, từ phía hãng thông tấn Reuters họ cũng “không rõ nhu cầu của người Nga đối với tài khoản mới tại các ngân hàng Trung Quốc phổ biến như thế nào”, nhưng theo nguồn tin từ chủ ngân hàng nói với Reuters rằng, có nhiều công ty đang tìm kiếm tài khoản mới làm ăn với Trung Quốc và ông kỳ vọng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ sẽ tăng lên.

Hiện tại, một số ngân hàng lớn của nhà nước Trung Quốc đang hoạt động tại Moscow, bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc. Các ngân hàng từ chối đưa ra lời bình luận.

Nhưng theo các nhà quan sát, khi các chính phủ phương Tây đang đẩy nền kinh tế của Nga ra khỏi hệ thống toàn cầu, thúc đẩy các công ty quốc tế ngừng bán hàng, cắt đứt quan hệ và bán phá giá các khoản đầu tư trị giá hàng chục tỷ đô la Mỹ, khiến các công ty của Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải quay về phía Bắc Kinh, đó là một logic bình thường.

Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt, cho rằng chúng không hiệu quả và khẳng định sẽ duy trì trao đổi kinh tế và thương mại bình thường với Nga.

Những cột mốc thương mại Nga – Trung

Trên thực tế, hai quốc gia đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ trong những năm gần đây, với việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “người bạn tốt nhất và thân thiết nhất” vào năm 2019. Và trong chuyến thăm của Putin tới Bắc Kinh vào tháng trước, hai quốc gia tuyên bố rằng tình bạn của họ là “không giới hạn”.

RC

Mối quan hệ hữu hảo của Nga và Trung Quốc.

Đó là trước khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine và hứng chịu các lênh trừng phạt từ các nước phương Tây. Giờ đây, khả năng giúp đỡ nước láng giềng của Trung Quốc đang bị thử thách, khiến các nhà quan sát cho rằng lựa chọn của Bắc Kinh thực chất là “có giới hạn”.

Bao giờ cũng vậy, Bắc Kinh có những cách “cư xử ngoại giao” khiến họ luôn nắm thế chủ động. Họ không vội vàng giúp đỡ Nga sau khi nền kinh tế nước này bị trừng phạt bởi phương Tây. Họ lửng lơ như cái cách mà ông Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, đưa ra trong thông điệp gần đây, rằng nước này sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt, nhưng cũng không đưa ra bất kỳ biện pháp cứu trợ nào.

Về cơ bản, mối quan hệ giao dịch giữa Nga và Trung Quốc được cho là chặt chẽ nhưng tương đối nhỏ.

Mặc dù gần đây, hai nước đã ký 15 thỏa thuận, trong đó có các hợp đồng mới với các tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga là Gazprom và Rosneft. Trung Quốc cũng đồng ý dỡ bỏ tất cả các hạn chế nhập khẩu đối với lúa mì và lúa mạch của Nga.

Và trong năm ngoái, 16% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Nga, theo số liệu thống kê chính thức. Điều này khiến Nga trở thành nhà cung cấp lớn thứ hai cho Trung Quốc sau Saudi Arabia. Khoảng 5% lượng khí đốt tự nhiên của Trung Quốc cũng đến từ Nga vào năm ngoái.

Trong khi đó, Nga mua khoảng 70% chất bán dẫn của mình từ Trung Quốc. Họ cũng nhập khẩu máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại thông minh từ Trung Quốc. Ví dụ, Xiaomi là một trong những thương hiệu điện thoại thông minh phổ biến nhất ở Nga.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã ký hợp đồng với các ngân hàng Nga vào Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS), một hệ thống thanh toán và bù trừ được coi là một giải pháp thay thế tiềm năng cho SWIFT, hệ thống kết nối hàng trăm tổ chức tài chính trên khắp thế giới.

“Tình anh em liệu có bền lâu”?

Nhưng, đang có một câu hỏi lớn được các nhà phân tích đặt ra, liệu Trung Quốc có giúp Nga đối phó với hậu quả từ các lệnh trừng phạt về kinh tế?

Về cơ bản, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc hỗ trợ Nga một cách đáng kể và sẵn sàng vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong khi cái mà đang Nga cần ở Trung Quốc là về thương mại, thì Bắc Kinh lại có những ưu tiên khác.

ChinaRussia

Nhưng, trong bối cảnh trừng phạt từ phương Tây, tình cảm Nga-Trung vẫn bền chặt?

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là đối tác thương mại số một của Nga, chiếm 16% giá trị ngoại thương, dựa trên số liệu năm 2020 của Tổ chức Thương mại Thế giới và dữ liệu hải quan Trung Quốc. Nhưng đối với Trung Quốc, Nga ít quan trọng hơn nhiều: Thương mại giữa hai nước chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc. EU và Mỹ mới là những đối tác chính.

Vì vậy, Trung Quốc đang nhận thức được rằng, nền kinh tế và sản lượng công nghiệp của họ đã phải chịu áp lực rất lớn trong những tháng gần đây, các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đang tìm mọi cách để “đi giữa hai làn đạn”, vừa ủng hộ Nga nhưng không để các nhà quản lý phương Tây phật lòng.

Tuần này, đã có báo cáo rằng hai ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc – Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) – đã hạn chế cấp vốn cho việc mua hàng hóa của Nga, do lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt tiềm tàng.

Reuters cũng mới đưa tin, nhập khẩu than của Trung Quốc từ Nga đã bị đình trệ do người mua lo lắng về các lệnh trừng phạt quốc tế, dẫn đến không thể đảm bảo nguồn vốn từ các ngân hàng nhà nước.

Trong khó khăn mới biết ai là bạn, không biết tình anh em hữu hảo giữa Nga và Trung Quốc “liệu có bền lâu” như những lời nói ngoại giao?

Nguyễn Chuẩn