Trong báo cáo: “Những vấn đề cần bàn của CFO Đông Nam Á 2021: Định hình lại tương lai tài chính” của Deloitte Đông Nam Á vừa công bố cho thấy, mặc dù phần lớn các giám đốc tài chính (CFO) ở Đông Nam Á hiểu được sự cần thiết của việc chuyển đổi trong các lĩnh vực chủ chốt của bộ phận tài chính, nhằm giải quyết những vướng mắc trong trạng thái bình thường mới – đặc biệt là vấn đề quản lý và phân tích dữ liệu, giám sát rủi ro và tuân thủ, và tài chính doanh nghiệp – nhưng nhiều CFO vẫn chưa bắt đầu quá trình chuyển đổi này.

19-1

Nghiên cứu này được thực hiện trong khoảng thời gian từ quý II đến quý III năm 2021, với dữ liệu thu được từ 105 giám đốc tài chính và lãnh đạo tài chính có trụ sở công ty tại Đông Nam Á hoạt động trong nhiều ngành và quy mô đội ngũ tài chính, nhằm tìm hiểu những mối quan tâm và ưu tiên chính của họ.

Chuyển đổi tài chính trong những lĩnh vực chiến lược

Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu, phần lớn các CFO đều hiểu được sự cần thiết của việc chuyển đổi trong các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt khi vai trò của tài chính chuyển hướng sang thành cung cấp hiểu biết tài chính. Mặc dù hiểu rõ tầm quan trọng của các lĩnh vực chủ chốt như tài chính doanh nghiệp (38%), giám sát rủi ro và tuân thủ (46%), phân tích và quản lý dữ liệu (44%), nhưng vẫn còn hơn 25% CFO tham gia khảo sát vẫn chưa bắt đầu chuyển đổi trong các lĩnh vực này.

Ông Timothy HO, Lãnh đạo chương trình Giám đốc tài chính của Deloitte Đông Nam Á cho biết: “Hầu hết các CFO Đông Nam Á đều đặt trọng tâm ban đầu là đảm bảo hoạt động và kinh doanh liên tục. Năm nay, các CFO tập trung vào các ưu tiên dài hạn để trở nên linh hoạt hơn, đáp ứng được các nhu cầu kinh doanh phát sinh. Đặc biệt, đại dịch vẫn tiếp diễn, đòi hỏi doanh nghiệp phải có những thay đổi cơ bản, các giám đốc tài chính và bộ phận tài chính bắt buộc phải chuyển trọng tâm từ hoạt động tài chính sang những hiểu biết tài chính chuyên sâu, và tập trung vào phát triển các vị trí tài chính mới và bộ kỹ năng kèm theo, chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai. Cụ thể, các CFO sẽ cần phải đảm nhận nhiều vai trò tiền tuyến hơn và trở thành chủ sở hữu cuối cùng của dữ liệu trong tổ chức”.

Theo khảo sát, hình thức làm việc từ xa không còn là giải pháp tạm thời, với 73% đối tượng tham gia khảo sát cho biết tổ chức của họ sẽ tiếp tục áp dụng hình thức làm việc từ xa và có khả năng sử dụng hình thức này là một cách để tuyển dụng nhân tài cho đội ngũ tài chính.

Ông Timothy HO cho biết thêm: “Một động lực thúc đẩy hình thức làm việc từ xa là thực trạng thiếu kỹ năng. Ngay cả khi các CFO trong khu vực đã thích ứng với lực lượng lao động từ xa đến từ nhiều khu vực địa lý khác để thu hẹp khoảng cách về kỹ năng, họ vẫn sẽ cần xem xét cách thức đội ngũ tài chính của mình có thể phát triển hoặc được bổ sung các kỹ năng đa dạng hơn – và về cơ bản định hình lại vai trò của tài chính đối với tổ chức của họ trong tương lai”.

Cung cấp nguồn lực tài chính thế hệ mới

Từ những phân tích kết quả khảo sát, Deloitte cho rằng có ba ưu tiên các CFO cần thực hiện để đội ngũ tài chính có thể cung cấp nguồn lực tài chính thế hệ mới – một thế hệ được tạo ra từ hình thức làm việc từ xa và vai trò tiền tuyến của CFO ngày càng được nâng cao.

Thứ nhất, xây dựng tầm nhìn chuyển đổi tài chính. Những CFO muốn tăng khả năng sẵn sàng hoạt động trong trạng thái bình thường mới cần hiểu sự phối hợp cần thiết giữa con người và công nghệ để đáp ứng những kỳ vọng đang thay đổi, cập nhật vị trí và mô tả công việc, và quan trọng là đảm bảo nhân tài của họ ở chế độ sẵn sàng.

Điều này đòi hỏi một tầm nhìn chuyển đổi tài chính đầy tham vọng nhưng thực tế, trong đó nêu rõ những khoản đầu tư công nghệ nào cần được ưu tiên, xác định nhân tài có khả năng phát triển, và quyết định phương pháp tốt nhất để nâng cao kỹ năng.

Thứ hai, xác định các vị trí trong tương lai. Các vị trí trong đội ngũ tài chính trong tương lai có thể chia thành ba nhóm chính – Người kể chuyện, Người diễn giải và Quản lý máy. Những vị trí này có thể khác nhau trên nhiều phương diện, bao gồm cả sự khác biệt về các kỹ năng cần thiết cũng như trong sự kết hợp giữa con người và máy móc. Ngay cả khi phụ thuộc nhiều vào máy móc, những vị trí này chưa chắc đã có thể được được thay thế hoàn toàn bằng tự động hóa. Điều này có nghĩa là nhân sự trong bộ phận tài chính sẽ được yêu cầu hoạt động theo những phương pháp mới và khác biệt – trong đó sự sáng tạo, trực giác và khả năng phán đoán vẫn được giữ ở vị trí cao trong chuỗi giá trị của con người.

Thứ ba, quyết định xây dựng, mượn hoặc mua. Thông thường, bản năng đầu tiên của các CFO là nâng cao kỹ năng cho đội ngũ của mình thông qua đào tạo và phát triển để xây dựng lực lượng lao động có các năng lực mới, sẵn sàng hướng đến tương lai. Mặc dù, nâng cao kỹ năng nên là một phần của mọi kế hoạch phát triển con người, nhưng có thể chưa đủ để đáp ứng tất cả nhu cầu về nhân tài trong tương lai.

Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là các CFO cần tiếp tục tuyển dụng – những năng lực mới có thể có sẵn trong tổ chức, nhưng không có trong đội ngũ tài chính. Do đó, các CFO nên tìm kiếm ngay trong tổ chức để quyết định liệu họ có thể mượn hoặc chia sẻ với các phòng ban khác những nhân viên có đủ các kỹ năng cần thiết.

Ông Ho kết luận rằng: “Chúng ta ngày càng thấy rõ thực tế nếu làm tốt một hoặc hai việc, hay làm việc một cách cô lập sẽ khó có thể đạt được thành công. Vai trò của tài chính trong tương lai sẽ là quản lý chéo các bộ phận, tạo dựng sự hòa hợp giữa nhân lực và năng lực, cũng như sở hữu và vận hành một nền tảng dữ liệu mạnh mẽ trong toàn tổ chức. Lời khuyên của chúng tôi dành cho các CFO là ít nên tập trung vào sự hoàn hảo, thay vào đó là liên tục cải thiện các giá trị mà tài chính mang lại cho tổ chức.

Ví dụ, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng đến tính bền vững và các yêu cầu phát triển liên tục, cách thức nào để các CFO có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy đo lường, báo cáo và quản lý các yếu tố này? Tương lai có nhiều điều không lường trước được, và tương lai phụ thuộc vào cách CFO và đội ngũ tài chính hành động, định hình lại và hình dung lại về tương lai để có thể vươn xa hơn.

Thy Hằng