Buồng khử khuẩn được triển khai tại sân bay Nội Bài.

Tự chế tạo buồng khử khuẩn

Hiện tại Hà Nội và TP.HCM đều có các tổ chức đưa ra thiết kế, chế tạo thành công buồng khử khuẩn toàn thân như của các buồng của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường phối hợp với Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành đoàn TPHCM) phối hợp Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Không chỉ vậy, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã chính thức đưa vào sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân do nhóm kỹ sư trẻ thuộc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật hàng không Nội Bài chế tạo.

Đặc điểm chung của những buồng khử khuẩn này đều dựa trên nguyên tắc sử dụng dung dịch muối ion (Anolyte) dạng phun sương mịn trong buồng kín. Khi có người đi vào, thiết bị cảm biến sẽ kích hoạt phun sương tự động 30 giây mỗi lần. Sương được phun 360 độ đảm bảo dung dịch dạng sương phủ kín toàn thân. Mục đích của buồng nhằm hạn chế lây lan, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng.

“Bên trong, hệ thống khử khuẩn dựa trên nguyên tắc sử dụng dung dịch nước muối ion hóa (Anolyte) dạng sương sẽ tự động phun toàn thân nhằm sát khuẩn nhanh bề mặt cơ thể”, PGS.TS Doãn Ngọc Hải – Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết.

An toàn hay không?

Mặc dù được giới thiệu có thể khả năng giúp khử khuẩn tối đa, nhanh và an toàn cho người. Tuy nhiên, chiều 26/3, Cục Quản lý môi trường y tế đã có văn bản cho biết đây là sáng kiến về các giải pháp hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cũng đã nhận được đề xuất nghiên cứu của đơn vị trực thuộc về buồng khử khuẩn toàn thân di động. Tuy nhiên, đề xuất chưa được hội đồng khoa học cấp bộ thông qua do chưa đủ tài liệu minh chứng và cần được đánh giá về hiệu quả diệt virus và an toàn đối với người sử dụng.

Trong thời gian Bộ Y tế xem xét, đánh giá, các tổ chức, cá nhân không nên sử dụng để đảm bảo an toàn. Người dân hãy thực hiện những biện pháp dự phòng đơn giản, dễ thực hiện nhưng hiệu quả như không đi ra ngoài nếu không cần thiết, nếu phải đi ra ngoài thì giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét và đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay có nồng độ cồn ít nhất 60%…

Theo Bộ Y tế, buồng khử khuẩn toàn thân đang được đề xuất hiện nay về cấu tạo thường gồm 1 buồng (phun sương dung dịch clo hoạt tính) hoặc gồm 2 buồng nối tiếp nhau; buồng 1 phun khí ozone nồng độ 0,12ppm trong 30 giây, tiếp đến buồng 2 có phun sương (hạt sương 5µm) nước điện hóa (là dung dịch anolyte hay nước Javen, khử khuẩn bằng clo hoạt tính) trong 30 giây.

Tuy nhiên, ozone là chất gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt đối với người già, trẻ em và những người có bệnh đường hô hấp. Theo khuyến cáo của Viện quốc gia về Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp Mỹ, nồng độ ozone trong không khí không được vượt quá 0,10ppm tại bất cứ thời điểm nào. Không có khuyến cáo dùng ozone để khử khuẩn quần áo, da người trong điều kiện bình thường.

Hiện, chưa có nghiên cứu nào được công bố chỉ ra dung dịch clo hoạt tính dạng phun sương có tác dụng khử khuẩn quần áo, da người trong vòng 30 giây. Clo hoạt tính dạng phun sương dễ xâm nhập vào đường hô hấp và phổi gây hại cho con người khi hít phải. Tổ chức Y tế thế giới cũng không khuyến cáo áp dụng phương pháp phun sương trong khử khuẩn bề mặt.