Chiến lược chống COVID-19 hiệu quả và bền vững dựa trên cơ sở duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định nhằm khởi động lại nền kinh tế trên cơ sở chống dịch thành công.
Thủ tướng vừa đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Phòng, chống dịch với mục tiêu bao trùm: Kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế các trường hợp tử vong, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch với kinh tế – xã hội phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để từng địa phương có thể linh hoạt thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế- xã hội; xây dựng các phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch có thể kéo dài.
Quyết liệt thực hiện giải pháp cấp thiết
Rõ ràng, đến thời điểm này, chiến lược phòng, chống dịch hiệu quả và bền vững dựa trên cơ sở duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, chuẩn bị khởi động lại nền kinh tế trên cơ sở chống dịch thành công.
Kiên định các chiến lược đề ra là ngăn chặn, phát hiện nhanh, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả với mục tiêu bao trùm là kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế tử vong, đồng thời giảm thiểu tác động đến kinh tế – xã hội.
Theo kết quả khảo sát của VCCI, hơn 50% doanh nghiệp sẽ không thể trụ lại được trong thời gian 5,6 tháng tới và 80% doanh nghiệp khó trụ vững sau 12 tháng nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì năm, 6 tháng tới chắc chắn sẽ là khoảng thời gian vàng để chúng ta có thể tiếp sức và giải cứu cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy, Thủ tướng cũng tính đến việc từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng, đồng bộ, có bước đi phù hợp với hoàn cảnh của mỗi tỉnh, thành phố, mỗi địa phương, để vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Đáng nói, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng trên địa bàn của mình một cách phù hợp theo các cấp độ: yêu cầu, hạn chế, khuyến cáo đối với các hoạt động của 3 nhóm tỉnh, thành phố là: ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu, mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ, việc vận chuyển hành khách bằng các phương tiện công cộng, việc tập trung đông người.
Bên cạnh đó, quyết định cụ thể cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa; chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ tại các dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh và yêu cầu ngừng sản xuất, kinh doanh nếu cơ sở không đảm bảo việc phòng chống dịch; tập trung xử lý triệt để các ổ dịch đã phát hiện.
Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn của các địa phương chịu trách nhiệm: Quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, có thể áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo quy mô cấp xã hoặc cấp huyện tuỳ thuộc nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn; quyết định việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp và các sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn trên cơ sở bảo đảm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá về khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh ở các địa phương, nhất và các địa phương trọng điểm, địa phương có đường biên giới đường bộ; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 63 đội phản ứng nhanh trước đại dịch ở 63 tỉnh, thành.
Đồng thời, đề xuất nâng cao năng lực xét nghiệm và cơ sở vật chất, hỗ trợ nhân lực cho hệ thống y tế địa phương; nghiên cứu đề xuất cụ thể các ngưỡng phản ứng dựa trên số ca nhiễm, số người chết và tốc độ lây lan dịch bệnh và phương án ứng phó phù hợp với từng ngưỡng, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.
Mới đây (ngày 10/4), tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương trong cả nước với các quyết sách đồng bộ được đưa ra thực sự mang ý nghĩa tổng động viên các nguồn lực của xã hội cho mặt trận chống suy thoái kinh tế, duy trì tăng trưởng.
Mới đây, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cũng đưa ra “Năm mũi giáp công “trên mặt trận chống suy thoái và phục hồi tăng trưởng với khái quát là: “Mở ngân sách, nới tiền tệ, đẩy đầu tư, nhanh cơ chế và khai thị trường”.
Trong dó, “mở ngân sách“ có các biện pháp: miễn, hoãn, giảm thuế, phí và các khoản phải nộp ngân sách của doanh nghiệp và người dân, trợ cấp trực tiếp cho các đối tượng khó khăn.
“Nới tiền tệ” bao gồm: tái cấu trúc các khoản nợ, giảm lãi suất, giảm chi phí và thủ tục cho vay, cung ứng kịp thời các nguồn tín dụng với chi phí rẻ hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ và vừa.
“Đẩy đầu tư “ bằng các biện pháp: cấp tập giải ngân nguồn vốn đầu tư công, tham gia vốn của nhà nước vào các dự án đối tác công tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cái dự án đầu tư kinh doanh của mọi thành phần kinh tế.
“Nhanh thể chế”: tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp để thúc đẩy cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
Hệ thống chính trị, toàn đảng, toàn quân, toàn dân, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền; phát huy hiệu quả 4 tại chỗ bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Tuy vậy cùng với những chủ trương, chính sách đúng và trúng thì nói như nhiều chuyên gia, việc thúc đẩy thực thi cần phải đặc biệt coi trọng và cũng cần phải được triển khai với tinh thần khẩn trương như chống dịch. Nhanh một ngày là doanh nghiệp có thể phục hồi, chậm một ngày doanh nghiệp có thể bị xóa sổ.
Bởi hiện nay, các gói giải pháp hỗ trợ vẫn đang ở “trên tivi”, Thủ tướng thì sốt ruột, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa, cơ quan công quyền thì ở đâu đó vẫn ung dung.
Giải pháp dài hơi: Mạnh mẽ thay đổi tư duy
Dù đang dồn sức phòng, chống dịch COVID-19, nhưng những nhiệm vụ và chiến lược dài hơi vẫn không lơi là được. Trong tinh thần ấy thì Chỉ thị 18 của Thủ tướng về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 là việc cần thiết.
Vẫn giống như những nhận định truyền thống, Chỉ thị nhận định rằng, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đó kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, đặt ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển bền vững, trong đó có diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Do đó, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 là rất nặng nề.
Cái khác của nhận định này là tính thời sự của nó. Đó là đề cập đến diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Không còn nghi ngờ gì nữa, COVID-19 đang tác động sâu rộng đến tất cả các quốc gia và chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh tế thế giới được dự báo và chắc chắn là sẽ bước vào một cuộc suy thoái mới. Nó không chỉ làm đứt gãy những chuỗi cung ứng, gián đoạn những chiến lược… mà trong tương lai, nó có thể còn thiết lập lại một “trật tự mới, một cuộc chơi mới”.
Cần phải nhắc lại rằng, từ trước tới nay, Việt Nam đã làm ra rất nhiều kế hoạch 5 năm cũng như rất nhiều chiến lược phát triển ở nhiều cấp độ. Thành công của các kế hoạch hay chiến lược luôn được tổng kết và đề cập đến rất nhiều. Những thất bại, dù không được đề cập đến cách trực tiếp và tường minh thì tình hình kinh tế – xã hội luôn là một thước đo chính xác nhất.
Tất nhiên, thời đại ngày nay đang cho thấy, diễn biến và chuyển hóa là một quá trình không thể cưỡng lại được, nhất là trong kinh tế – xã hội. Mỗi ngày qua đi thì những giá trị mới được thiết lập và những tư duy cũ, không tương thích bị đào thải. Phải có một sự quả quyết rất cao không phụ thuộc vào những tư duy, đường lối cũ thì mới có thể thúc đẩy được sự phát triển khiến cho quốc gia thịnh vượng.
COVID-19 đương nhiên đang gây ra những tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, dù nó đang làm cho kinh tế toàn cầu suy thoái, sản xuất kinh doanh đình trệ, lao động mất việc làm, chuỗi cung ứng, mạng sản xuất bị đứt gãy… thì một cách biện chứng, nó đang mở ra những cơ hội cho tất cả các quốc gia cải cách. Các cấu trúc kinh tế về sản xuất, thương mại, đầu tư… nếu không có COVID-19 chắc chắn vẫn diễn tiến bình thường. Trật tự thế giới cũng tiệm tiến theo quy luật đã được thiết lập và thích ứng.
Nhưng COVID-19 đã đem đến những điều chỉnh và thay đổi sâu sắc trong lòng mỗi quốc gia và trên bình diện toàn cầu.
Với Việt Nam, những người luôn đau đáu với chiến lược phát triển đều nhận thấy đây là cơ hội đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đang thực hiện lâu nay.
Ví dụ rõ nhất là những nhiệm vụ được đặt ra từ đầu nhiệm kỳ như cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh đã xuất hiện những khúc quanh cần thiết. Nghị định 41/2020 của Chính phủ được xây dựng, lấy ý kiến, trình Chính phủ và ban hành chỉ trong một tháng.
Việc hạ lãi suất, giảm thuế, phí… cũng được tiến hành ngay lập tức dù chỉ để đối phó với COVID-19. Những quyết sách mạnh mẽ để phòng, chống dịch cũng được bàn thảo và đưa ra rất nhanh. Những phương cách để “tái khởi động, phục hồi kinh tế” cũng được bàn luận thẳng thắn và có lẽ cũng sẽ sớm có Nghị quyết của Chính phủ.
Đương nhiên, để làm được điều đó thì còn có rất nhiều việc phải làm. Đơn giản như việc phải bổ sung các ngành nghề, chuỗi cung ứng mới để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc về dịch bệnh toàn cầu. Nhưng có bổ sung được hay không lại phụ thuộc vào thể chế và cơ chế phối hợp tòa cầu hậu COVID-19.
Những vấn đề đã được đem ra thảo luận như cải cách, cơ cấu lại ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế; những sự chuyển đổi như đối với các dự án hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công… đã được đề cập đến một cách trực diện ở nhiều cấp độ.
Và đương nhiên, rất cần một tinh thần đột phá trong cả tư duy pháp lý lẫn trách nhiệm. Sẽ có khó thể có một sự suôn sẻ khi cải cách hay đột phá, nhưng nếu không đột phá và quyết tâm cải cách thì kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội vẫn mãi là một kế hoạch trên giấy.
“Cuộc chiến” để chống suy thoái, duy trì tăng trưởng chắc chắn sẽ kéo dài và sẽ cam go không kém cuộc chiến để phòng chống dịch. Sự phối hợp, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp sẽ quyết định thắng lợi của Việt Nam.
Nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh. Các địa phương này tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22 hoặc 30/4/2020 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xây dựng hạ tầng, bảo đảm lưu thông hàng hóa. Nhóm địa phương có nguy cơ gồm 16 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang. Các địa phương này cần thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 22/4/2020 và sẽ có điều chỉnh vào ngày 22/4 tùy diễn biến dịch bệnh. Nhóm có nguy cơ thấp gồm 35 tỉnh còn lại. Yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện theo chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. |