Trên diện tích 800m2, nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật nên vườn nho trĩu quả quanh năm và cung cấp giống cho 24 quận, huyện tại TP. HCM và một số tỉnh thành khác, đem lại doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm… Đó là vườn nho sinh thái của ông Trương Văn Ở, chủ vườn nho Năm Ở (phường Phước Long B, Quận 9, TP. HCM).
Thành tựu từ nghiên cứu
Để có được thành công như hiện nay, với ông Trương Văn Ở là cả quá trình tìm tòi, áp dụng khoa học, kỹ thuật. Ông cho biết: Những ngày đầu trồng nho, tôi không có kinh nghiệm chăm sóc nên nho chỉ ra trái bằng hạt tiêu, rất chua. Qua tìm hiểu kiến thức trên Internet, sách vở, bạn bè và được sự hỗ trợ Hội Nông dân quận 9 cùng với sự tìm tòi, nghiên cứu áp dụng một số khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và lai tạo thử cho ghép giống nho Ninh Thuận với nho rừng, không ngờ lại cho kết quả tốt.
Theo ông Ở, trồng nho quan trọng nhất là thời tiết, vùng trồng nho tốt phải có khí hậu nóng, ít mưa và độ ẩm thấp. Nên ông tưới nước hằng ngày, 20 ngày lại bón phân một lần và bấm mắt cho nho. Những chùm nho vườn ông trái ra hoàn toàn tự nhiên và ông chỉ bón phân dơi, trùn quế, phân bò phơi khô, tưới nước cho cây 2-3 ngày một lần. Vào các ngày cuối tuần nhiều người dân ở TP. HCM, các tỉnh khác đến tham quan, chụp hình vườn nho của ông. Khách đến, được ông mời nước, hái nho cho ăn, nếu thích, khách sẽ mua trái hoặc giống mang về. Theo ông Ở, điều kiện quan trọng quyết định việc trồng nho là khí hậu. Vùng trồng nho cần có điều kiện khí hậu khô, độ ẩm không khí thấp, lượng mưa ít, nếu mưa nhiều, kéo dài dễ làm phát sinh bệnh trên cây. Với khí hậu và đất của TP. HCM thì trước lúc ươm mầm, cần phải bón phân cho đất thật kỹ.
Ông Ở cho biết: Để ghép một gốc nho cho ra mầm, lá phải mất 6 tháng, đòi hỏi nhiều công sức, các công đoạn tỷ mỷ và cam kết, khách mua về trồng phải ra trái, nên việc khách họ đặt nhiều, nhưng tôi nhận vừa đủ để hướng dẫn khách tốt hơn. Hiện nay, ông Ở đã nghiên cứu chuyển lai tạo cây giống nho phù hợp với vùng đất TP. HCM, đã cung ứng cây giống cho bà con rất nhiều quận, huyện khác về trồng và đạt năng suất cao.
Kỹ thuật trồng nho của ông tiêu chí chất lượng sản phẩm được đưa lên hàng đầu, nên sản phẩm chỉ sử dụng phân hữu cơ và thuốc vi sinh học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, nhằm đảm bảo sức khỏe cho mình và mọi người. Là cán bộ về hưu, từ chỗ không có kinh nghiệm trong việc trồng trọt, đến nay ông Trương Văn Ở đã trồng được hơn 30 gốc nho cho thu hoạch trái quanh năm từ 3 đến 4 tấn, thu về hàng trăm triệu đồng. Những cây nho này cứ khoảng 3-4 tháng cho trái một lần. Thu hoạch đợt trái này xong, ông cắt hết lá, ngọn, bón phân, tưới nước cho cây để đón vụ tiếp theo.
Tăng thu nhập nhờ kết hợp trồng rau
Trước khi trồng vườn nho sinh thái tại quận 9, ông Trương Văn Ở là người làm chuyên môn trong lĩnh vực hóa học. Mục đích ban đầu ông chỉ trồng nho để giải trí nhưng từ khi cho ra giống nho sạch, trái to nên Hội Nông dân phường đã động viên phát triển mô hình. Vườn nho của ông Ở rộng 800m2 hiện đang trồng khoảng hơn 30 gốc nho. Ông Ở cho biết: Giống nho được trồng tại vườn nhà ông là NH01-93, NH01-48, NH01-96, Cardinal… dùng cho ăn tươi, giống NH02-90 dùng làm nguyên liệu chế biến rượu. Mật độ trồng nho tùy thuộc vào giống và đất trồng.
Những tháng đầu, sau khi trồng có thể pha 30g – 50g phân với 10 lít nước, tưới đều vào vùng rễ nho. Các tháng sau có thể bón trực tiếp vào đất với định kỳ 1 – 1,5 tháng/lần, bón kết hợp xới đất. Tùy theo từng thời điểm mà có cách bón phân cho phù hợp để cho ra trái to. Đặc điểm cây nho là leo giàn, cần làm giàn có độ cao khoảng 1,8m – 2m để tiện cho việc đi lại, chăm sóc. Mỗi cây nho cắm một cọc để bám vào, chọn ngọn nho khỏe nhất buộc vào cọc cho leo lên giàn, các ngọn hoặc cành còn lại cắt bỏ.
Khi ngọn của thân chính đã leo cao khỏi giàn 20cm – 30cm, tiến hành cắt bỏ thân chính ở mặt dưới giàn, cây nho sẽ mọc nhiều cành mới. Mỗi cây nho chỉ để lại 2 – 4 cành và bố trí đều về các hướng. Sau đó, buộc chặt các cành vào dây của giàn, khi cành dài khoảng 1m thì tiến hành cắt ngọn để mọc ra các cành. Các cành cần được buộc chặt vào giàn, tránh gió lay làm rách lá, rụng mắt và tránh để cành đè lẫn lên nhau. Dây để buộc cố định cành vào giàn nên sử dụng những loại có khả năng tự phân hủy. Trồng khoảng 10 – 12 tháng, các cành đã hóa gỗ, màu nâu, mắt đã nổi rõ thì tiến hành để trái bằng cách cắt hết cành lá đã có, chỉ để lại cành quả cho mầm dự trữ cho cành quả vụ sau. Sau cắt cành khoảng 20 ngày, cây bắt đầu ra hoa, khoảng 25 – 30 ngày thì đậu trái. Mỗi dây chỉ để 2 – 3 chùm, trên các chùm cần tỉa bỏ các trái bị dị tật, sâu bệnh để tập trung dinh dưỡng nuôi các trái còn lại.
Ông Ở còn nghiên cứu, lai tạo cây giống phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất TP.HCM. Hiện ông đã cung ứng cây giống cho bà con rất nhiều quận, huyện khác về trồng và đạt năng suất cao. Vì vườn nho sẽ tạo bóng mát cho rau mà không cần phải mua lưới che, nên nhiều nông dân trồng vườn nho trên cao, còn dưới đất trồng thêm rau để tăng năng suất và thu nhập.
Ông Trần Văn Rõ, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phước Long B (Quận 9, TP. HCM) cho biết: Quận 9 là một trong những quận tốc độ đô thị hóa rất nhanh, đòi hỏi tổ chức Hội Nông dân phải chắt lọc, tìm tòi nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả cao cho nông dân làm sao phù hợp với tốc độ đô thị hóa trên địa bàn. Vì vậy, mô hình vườn nho của ông Trương Văn Ở là một trong những mô hình được tổ chức Hội rất quan tâm và là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trái và giống cho thu nhập quanh năm, cây giống được bán trên 24 quận, huyện TP. HCM và một số tỉnh khác… Ông luôn hỗ trợ kỹ thuật cho người trồng. Ngoài ra, ông Ở còn tham gia ủng hộ các Quỹ hỗ trợ của Hội, hỗ trợ cho nông dân nghèo, học bổng…
Nhờ nghiên cứu, lai tạo cây giống phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất TP.HCM nên ông đã cung ứng cây giống cho bà con rất nhiều quận, huyện khác về trồng và đạt năng suất cao. Vì vườn nho sẽ tạo bóng mát cho rau mà không cần phải mua lưới che, nên nhiều nông dân trồng vườn nho trên cao, còn dưới đất trồng thêm rau để tăng năng suất và thu nhập. |
Vân Nguyễn