Điểm nổi bật sự bùng nổ của thị trường khách nội địa và quốc tế, vừa được mở chính sách thị thực (visa) vào ngày 15/8/2023 thông thoáng tạo điều kiện cho du khách quốc tế đến Việt Nam dễ dàng hơn. Đây là một trong những lý do khiến ba tháng gần đây khách nước ngoài đến Việt Nam liên tục tăng cao.

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Cơ hội vàng để quảng bá du lịch Việt Nam ra toàn cầu

Theo các báo cáo của thế giới, dòng khách quốc tế có xu hướng thay đổi điểm đến rõ rệt khi tình hình thế giới trong năm có nhiều biến động như xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế ở các thị trường du lịch chính như Mỹ và châu Âu. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được xem là đích đến an toàn với giá cả phù hợp. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá xếp hạng cao về mức độ an toàn cùng với giá cả chi tiêu phù hợp cho đa phần các phân khúc khách du lịch.

Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường khách quốc tế, thị trường du lịch nội địa cũng tỏ ra không hề kém cạnh khi 11 tháng đầu năm khách nội địa đạt 103,2 triệu lượt, vượt qua con số cả năm 2019. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng qua ước đạt 616,0 nghìn tỷ đồng. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 34,0 nghìn tỷ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo khảo sát của Vietnam Report, 78,6% số doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng lên so với năm 2022, trong đó, 14,3% doanh nghiệp có mức tăng đáng kể. Đối với chỉ tiêu về lợi nhuận, 71,4% số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng, trong đó, nhóm khách sạn có mức tăng trưởng về lợi nhuận cao hơn với 85,7% doanh nghiệp ghi nhận.

Sự tăng trưởng của thị trường khách du lịch tạo ra những tác động tích cực tới khách sạn l71,4% khách sạn cho biết tổng số lượt khách phục vụ tăng trên 100% so với năm 2022, cho thấy khả năng hồi phục mạnh mẽ. Ngành Du lịch đang nỗ lực phục hồi mạnh mẽ, Việt Nam đón nhận “cơn mưa” giải thưởng tại Lễ trao giải World Travel Awards 2023, được kỳ vọng là cơ hội vàng để quảng bá du lịch Việt Nam ra toàn cầu, góp phần thúc đẩy sự phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch bền vững

Theo đánh giá của các chuyên gia trong năm 2024, ngành Du lịch hoàn toàn có thể thực hiện được con số 14-15 triệu lượt khách nếu không có vấn đề bất ngờ phát sinh. Kết quả khảo sát doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn của Vietnam Report cũng có kết quả tương đồng với dự báo của các chuyên gia khi có đến 66,7% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng ngành Du lịch năm 2024 sẽ khả quan bởi từ chính sách visa mới cho phép cấp visa điện tử (e-visa) cho du khách từ tất cả quốc gia và cho phép khách một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày.

Điều này đã minh chứng sau khi chính sách có hiệu lực đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp kỳ vọng, chính sách nới lỏng visa thật sự đã mang lại cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam khi 4 tháng cuối năm 2023 liên tiếp số lượng khách quốc tế đến đạt trên 1 triệu người, vượt xa kế hoạch ban đầu.

Điều đáng chú ý du lịch bền vững là vấn đề đang được nói đến rất nhiều tại Việt Nam và cũng đang trên đà tăng trưởng, những điểm đến này được ưa chuộng vì vẻ đẹp thiên nhiên, di sản văn hóa, chỗ ở thân thiện với môi trường, trải nghiệm hòa mình với người dân bản xứ và sự hỗ trợ các sáng kiến bền vững, phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng đối với trải nghiệm du lịch xanh. Dù có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn trong năm 2024, nhưng du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ để giảm những ảnh hưởng có hại đến thiên nhiên, di sản văn hóa địa phương.

Giới chuyên gia đánh giá, Việt Nam có đủ tiềm năng để phát triển mạnh loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, bởi sở hữu bờ biển dài hơn 3.200km cùng nhiều bãi tắm đẹp, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Ngoài ra, ngành địa chất đã phát hiện khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng có tác dụng chữa bệnh, điều hòa cơ thể. Đón đầu xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch suối khoáng nóng.

Trong đó, nhiều khu nghỉ dưỡng cung cấp các lớp thiền định, yoga chữa lành, hội thảo giảm căng thẳng và thậm chí cả tư vấn liệu pháp giấc ngủ. Việc kết hợp các lựa chọn thực phẩm lành mạnh và có nguồn gốc địa phương đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều khách sạn vì khách hàng ngày càng có ý thức hơn về lựa chọn chế độ ăn uống của mình.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, top 7 kiến nghị của doanh nghiệp ngành Du lịch – Khách sạn đã được chỉ ra, trong đó, dẫn đầu là kiến nghị về Tiếp tục hoàn thiện chính sách nhập cảnh, xuất cảnh cho khách du lịch quốc tế và mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực được 92,9% doanh nghiệp lựa chọn. Thị thực (Visa) chính là cánh cửa đầu tiên để thu hút khách quốc tế ghé thăm, tuy nhiên “cánh cửa” của du lịch Việt Nam vẫn còn quá nhỏ và chưa đủ hấp dẫn để có thể thu hút được nhiều du khách ghé thăm; Đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, lễ hội và hội chợ triển lãm du lịch …

Việc mở cửa hàng miễn thuế (factory Outlet) trong khu phi thuế quan đem lại 2 lợi ích chính như: thứ nhất là thu hút lượng khách lớn từ các quốc gia châu Á đến mua sắm, thay vì phải chi trả chi phí cao hơn để sang Châu Âu, Châu Mỹ mua sắm, họ có thể có một điểm mua sắm hấp dẫn với khoảng cách địa lý gần; Lợi ích thứ hai là góp phần giảm thiểu việc “chảy máu” ngoại tệ khi du khách Việt Nam giảm nhu cầu sang các nước khác mua sắm.

Đồng thời, Chính phủ cần sớm ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý; quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm. Thêm vào đó, các chính sách nhằm siết chặt an ninh tại những địa điểm du lịch về đêm nhằm đảm bảo an toàn cho du khách cũng cần được chính phủ nghiên cứu bổ sung, để có thể dễ dàng kiểm soát, quản lý an ninh tại các điểm đến.