TS. Cấn Văn Lực và Nhóm nghiên cứu gợi ý 4 giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo cập nhật đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các ngành kinh tế Việt Nam đến hết quý 1/2021. Với Việt Nam, dù là một trong số ít các nước kiểm soát dịch Covid-19 thành công, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ đạt 2,91% – là mức thấp nhất trong 10 năm qua, song vẫn là mức tăng trưởng dương và thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp khi vẫn còn các đợt bùng phát trở lại cùng với rủi ro biến thể virus mới và tiến trình tiêm vaccine còn gian nan, nhất là tại các nước đang phát triển và thu nhập thấp. Kinh tế thế giới được dự báo sẽ dần hồi phục mạnh từ quý 2 năm 2021 nhưng không đồng đều. Việt Nam được dự báo sẽ có khả năng phục hồi tốt dù quá trình này còn phụ thuộc vào nỗ lực tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội” trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, quá trình hồi phục cũng có sự khác nhau giữa các ngành, lĩnh vực tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của dịch và đòi hỏi phải có đánh giá để có căn cứ đưa ra quyết sách và các gói hỗ trợ bổ sung phù hợp.
Từ đó Nhóm nghiên cứu gợi ý bốn giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Một là, nhiệm vụ ưu tiên số 1, quan trọng hàng đầu hiện nay vẫn phải là tiếp tục phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả; bởi vì làm tốt điều này cũng chính là góp phần quan trọng ổn định kinh tế-xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hai là, Chính phủ cần khẩn trương rà soát, đánh giá kết quả triển khai các gói hỗ trợ năm 2020; rút ra mặt được và chưa được; làm cơ sở, tiền đề cho việc thiết kế các gói hỗ trợ tiếp theo cho đến hết năm 2021. Phạm vi hỗ trợ nên tập trung vào 2 lĩnh vực chính là du lịch (gồm cả lưu trú – ăn uống) và vận tải, kho bãi.
Theo đó, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV kiến nghị: Gói tài khóa: khoảng 45 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,71% GDP, gồm: Xem xét cho phép miễn phí Công đoàn tại doanh nghiệp năm 2021; Cho phép chuyển tiếp lỗ năm 2020 sang năm 2021-2022 (qua đó, giảm nghĩa vụ thuế tương ứng) như một số quốc gia đã làm; Chính thức điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 15-17% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (từ năm 2021) như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho phép; tăng cho vay qua Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi động hoạt động thực chất của các quỹ bảo lãnh vay vốn doanh nghiệp nhỏ và vừa (thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa này hoặc các tổ chức tín dụng được chỉ định); tiếp tục giãn, hoãn thuế và tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp nhưng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện mạnh khâu hướng dẫn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Gói tiền tệ – tín dụng: trị giá khoảng 8 nghìn tỷ đồng (0,12% GDP) bao gồm: Khẩn trương hoàn thiện phương án, quy trình cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực hàng không như đã được Quốc Hội và Chính phủ phê duyệt; Tạo điều kiện để các TCTD đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (phối hợp chặt chẽ hơn với Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa như nêu trên); Thúc đẩy gói cho vay nhà ở xã hội (gói 3 nghìn tỷ đồng…) và Bộ xây dựng chủ trì sớm đề xuất cơ chế động lực để doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội; Khuyến khích cho vay đầu tư trang thiết bị y tế, hạ tầng y tế, nghiên cứu và sản xuất vaccine, hạ tầng viễn thông, xử lý rác thải và các lĩnh vực ưu tiên khác.
Gói an sinh xã hội: cho phép gia hạn thực hiện các gói hỗ trợ năm 2020 đến hết năm 2021, với giá trị còn lại là 36.900 tỷ đồng, khoảng 0,6% GDP. Việc chuyển tiền cần thực hiện qua tổ chức tín dụng và tổ chức cung ứng dịch vụ Mobile money (nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tiết giảm chi phí và thúc đẩy thanh toán không tiền mặt). Đồng thời, cần hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất hay thay đổi việc làm, nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi sản xuất… Quy mô chương trình dự kiến khoảng 3 nghìn tỷ đồng/năm (0,05% GDP), trong đó 50% từ ngân sách TW và từ ngân sách địa phương (hiện nay, mỗi năm ngân sách chi khoảng 1.710 tỷ đồng), 50% từ đóng góp của các doanh nghiệp hưởng lợi từ lao động được đào tạo này.
Ba là, tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế (WHO, Liên minh COVAX…) và các tổ chức sản xuất vaccine để sớm có đủ lượng vaccine cho Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền về sự cần thiết của việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 để người dân yên tâm thực hiện; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Việt Nam.
Bốn là, nhất quán thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Theo đó, cần có rà soát, cập nhật và đôn đốc tiến độ thực hiện của các bộ, ngành, địa phương; và có điều chỉnh kịp thời.
Linh Nga