Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, không chỉ tại Hà Nội hay TP.HCM, thực trạng các dự án “treo” còn xuất hiện tại nhiều tỉnh thành.

Không chỉ tại Hà Nội, thực trạng các dự án “treo” còn xuất hiện tại nhiều tỉnh thành.

Khắc phục những vướng mắc

Vừa qua, các dự án bị “đóng băng” đang là vấn đề tồn tại trong xã hội nhiều năm qua. Nhiều dự án chưa được phép triển khai, chưa đủ điều kiện huy động vốn, không ít trường hợp chủ đầu tư cố tình chiếm dụng vốn của khách hàng để đầu tư dàn trải nhiều dự án cùng một lúc, hoặc sử dụng vốn cho các mục đích cá nhân khiến không dự án nào hoàn thành đúng tiến độ cam kết… Điều này gây ra thiệt hại về kinh tế, phát sinh nhiều hệ lụy và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.

Để khắc phục tình trạng trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết Bộ đã có kiến nghị và đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát tất cả các dự án trên địa bàn gặp khó khăn, vướng mắc về việc triển khai thực hiện dự án.

Theo đó, thống kê các dự án khu đô thị để lãng phí đất đai, không người ở, không có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… Đồng thời, rà soát các dự án gặp rắc rối về thủ tục pháp lý đang thực hiện nhưng bị tạm dừng và xử lý dứt điểm, sớm triển khai lại.

“Bộ Xây dựng sẽ đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát tất cả các dự án trên địa bàn. Ngoài ra, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, rà soát quỹ đất, danh mục dự án. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường”, đại diện Bộ Xây dựng chia sẻ. Đặc biệt, cần đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện cam kết triển khai dự án đúng tiến độ và có kế hoạch, lộ trình để khắc phục các vi phạm.

Về phía doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng cũng đề nghị khẩn trương, chủ động tái cơ cấu lại sản phẩm bất động sản theo nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển nhà ở bình dân, giá thấp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở, nhất là xã hội. Cũng như thực hiện giảm giá bán, giá cho thuê bất động sản, giãn việc nộp tiền thuê của khách hàng, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để thu hồi vốn…

Hàng loạt dự án “treo” gây lãng phí

Những động thái của Bộ Xây dựng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn về vấn đề còn đang gây “nhức nhối” này. Hiện nay hơn 700 dự án ngoài ngân sách chậm triển khai tại Hà Nội, trong đó nhiều dự án do vướng mắc về pháp lý nên dở dang. Nhiều dự án thuộc diện phải thu hồi, nhưng còn vướng mắc do cơ chế, chính sách cụ thể để đền bù những hạng mục mà chủ đầu tư, doanh nghiệp đầu tư còn chưa thực sự rõ ràng…

Theo các chuyên gia, các dự án bất động sản bỏ hoang hiện nay là hệ quả của việc phát triển quá “nóng”, thiếu tính toán đánh giá về hiệu quả của các chủ đầu tư. Tình trạng nhiều chủ đầu tư không đủ tiềm lực, thực hiện dự án nửa chừng, năng lực của các chủ đầu tư cùng vướng mắc chồng chéo về thủ tục hành chính… đã gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án.

Ông Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã từng chia sẻ, có nhiều nguyên nhân khiến dự án chậm đầu tư chậm triển khai, tiến độ thi công. Trong đó, hầu hết các dự án chậm tiến độ đều phải điều chỉnh nhiều lần, thậm chí có dự án phải điều chỉnh 5-6 lần, mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, việc giải phóng mặt bằng các dự án gặp nhiều khó khăn do khiếu kiện, khiếu nại, thi công, di chuyển hạ tầng kỹ thuật, giá vật liệu xây dựng tăng cao.

Khi các bộ Luật mới được thông qua có hiệu lực được các chuyên gia kì vọng rằng sẽ hỗ trợ giải quyết những vướng mắc đối với loạt dự án “treo”.