Chủ đầu tư khu đô thị Đoàn Ngoại giao từng bị nhắc nhở khi chậm xây dựng công trình trường học, nhà trẻ

Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về việc quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp cần dành đất để phát triển các cơ sở giáo dục, Bộ Xây dựng cho biết, pháp luật hiện hành đã có quy định đầy đủ về vấn đề này.

Tăng cường giám sát

Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực thực hiện nên việc triển khai tại các địa phương chưa đầy đủ và đồng bộ với việc phát triển đô thị, khu công nghiệp.

Để khắc phục, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655 về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp – khu chế xuất”. Mục tiêu của đề án này là đầu tư đồng bộ nhà ở, siêu thị, nhà trẻ và các công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp – khu chế xuất.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng và trình Quốc hội Luật Quản lý phát triển đô thị để hoàn thiện thể chế, tiến tới phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đưa ra chính sách thu hút đầu tư các công trình xã hội như các công trình giao thông, giáo dục, y tế, công viên cây xanh; hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong việc quản lý thực hiện quy hoạch.

Về phía Bộ Xây dựng cho biết các địa phương cần lên kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm cũng như kế hoạch thực hiện quy hoạch; tăng cường công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cơ quan dân cử, người dân trong việc lập và thực hiện quy hoạch.

Trước đó, báo cáo của TP Hà Nội nêu rõ nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở trên địa bàn có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông, nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đảm bảo đồng bộ, chậm xây dựng công trình trường học, nhà trẻ so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.

Cụ thể, gồm Khu đô thị mới Phùng Khoang, Khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì, Khu đô thị Xuân Phương – Viglacera, Khu đô thị Thành phố giao lưu, Khu đô thị Đoàn Ngoại giao, Khu đô thị mới Cổ Nhuế – Xuân Đỉnh, Dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế, Khu nhà ở để bán Quang Minh Vinaconex 2, Khu đô thị Lê Trọng Tấn-Geleximco, Khu đô thị mới Vân Canh, Khu nhà ở Vĩnh Hoàng, Khu chức năng đô thị Ao Sào, Khu đô thị mới Cầu Bươu, Khu nhà ở Thạch bàn, Khu đô thị Đặng Xá…

Ngoài ra, có tình trạng một số dự án đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, đặc biệt là khu vực các quận trung tâm đã được chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp nhưng cũng trong tình trạng chậm triển khai.

Đó là Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 01 công trình trường tiểu học được đưa vào khai thác, sử dụng. Còn 5 lô đất quy hoạch xây dựng trường học: Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị – Bộ xây dựng (HUD) đã chuyển nhượng hạ tầng 02 ô đất (NT1 và TH1) cho nhà đầu tư thứ phát nhưng chưa xây dựng công trình; 02 ô đất (NT2, TH2) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 01ô đất (TH4) đang vướng mắc, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng ô đất.

Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp quy hoạch 06 lô đất xây dựng trường học, gồm 03 lô đất xây dựng trường mầm non, 01 lô đất trường tiểu học, 01 lô đất trường trung học cơ sở, 01 lô đất trường THPT, trong đó có 01 lô đất đã hoàn thành xây dựng trường mầm non, 01 lô đất đang thực hiện chuẩn bị đầu tư xây dựng trường tiểu học, lô đất xây dựng trường THPT vướng nghĩa trang thôn Văn Điển…

Tại Khu đô thị Việt Hưng: Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị đã chuyển giao 05 lô đất trường học cho các nhà đầu tư cấp 2 nhưng đến nay chỉ có 01 công trình trường học đã hoàn thành xây dựng.

Nâng mức xử phạt

Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội: “Chúng ta đang phát triển đô thị được điều tiết bởi nền kinh tế thị trường, do đó câu chuyện rất rõ ràng ở đây là phải dùng công cụ tài chính để ứng xử. Những khu vực đất công dành để phát triển bất động sản phải được lượng hóa bằng tiền. Những doanh nghiệp lấy đất có nghĩa là lấy tiền đi thì phải trả lại tài sản công được lượng hóa bằng tiền như xây trường học, nhà trẻ…”

Nếu chủ đầu tư không muốn xây hoặc cố tình không xây trường học trong dự án thì phải nộp lại số tiền tương đương để mua một không gian đủ chỗ cho số học sinh trong khối dân cư mà dự án đó sẽ hình thành. “Đặc biệt nhấn mạnh ở đây đó là việc phải xây dựng các cơ sở giáo dục công lập chứ không phải biến tướng thành bất động sản kinh doanh trường học, có nghĩa là xây dựng các trường tư thục rồi thu học phí cao ngất ngưởng” – ông Ánh nhấn mạnh.

Dưới góc độc pháp lý, một luật sư cho biết, hiện luật pháp đã có quy định về xử phạt hành chính với các chủ đầu tư không tuân theo kế hoạch, chậm tiến độ đã được phê duyệt.

Tại Điểm a Khoản 1 Điều 13 Nghị định 139/2017 quy định về việc xử phạt hành chính khi vi phạm quy định về đầu tư phát triển đô thị như sau: “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Thực hiện đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo kế hoạch hoặc chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Chủ đầu tư buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

“Mặc dù chúng ta có luật pháp quy định, song thực tế với mức xử phạt nêu trên còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, ngoài việc phải nghiêm túc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, cơ quan quản lý cần bổ sung những hình thức xử phạt mới để tăng sức răn đe, giải quyết triệt để” – luật sư này nhấn mạnh.