Chuyển tới nội dung

Bộ Xây dựng lập tổ công tác đặc biệt gỡ khó cho doanh nghiệp

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng sẽ rà soát, cắt bỏ “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Theo Quyết định số 1118/QĐ-BXD ngày 5/10/2021, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trực tiếp làm Tổ trưởng, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh làm Tổ phó thường trực.

nguyenthanhnghi-5578

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Tổ công tác đặc biệt có thành viên tham gia là các lãnh đạo cục, vụ trực thuộc như: Cục Kinh tế xây dựng, Quản lý hoạt động xây dựng, Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục Công tác phía nam, Phát triển đô thị, Hạ tầng kỹ thuật, Quản lý Nhà và thị trường bất động sản và các vụ: Pháp chế, Quản lý doanh nghiệp, Quy hoạch – Kiến trúc, Vật liệu xây dựng, Văn phòng Bộ và Thanh tra Bộ.

Tổ có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Tổ công tác đặc biệt này cũng chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19”, tăng tính chủ động, tự chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Định kỳ hằng tháng hoặc khi cần thiết, Tổ công tác tổng hợp tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân theo thẩm quyền của Bộ Xây dựng, đề xuất phương án giải quyết vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

nganhxaydung-1572695819

Các doanh nghiệp địa ốc đang gặp khó khăn khi dự án phải dừng thi công, doanh số bán hàng “rơi thẳng đứng”

Trên thực tế, theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2020, dưới sự tác động của đại dịch COVID – 19, thị trường bất động sản đã chứng kiến gần 1.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Trong khi đó, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2021, có tới 842 doanh nghiệp bất động sản phải tạm dừng hoạt động, tăng hơn 35,2% và có 345 doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện đã tác động xấu đến nhiều mặt đời sống kinh tế – xã hội; trong đó các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp rất nhiều khó khăn tương tự như các lĩnh sản xuất kinh doanh khác.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, bất động sản không xin Chính phủ hỗ trợ tiền mà chỉ xin Nhà nước tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật.

Theo ông Châu, trong gần 2 năm ảnh hưởng do dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng cũng đang cầm cự mong qua thời điểm khó khăn. Nhiều Hiệp hội nghề nghiệp đã có báo cáo kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành về một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn.

Điển hình như Hiệp hội Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. VACC đề nghị bổ sung các chi phí như phòng dịch bắt buộc, tạm dừng thi công chờ việc, kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân… vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Về tài chính doanh nghiệp, VACC cũng đề nghị giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý II/2021 sang đầu năm 2022 (các khối lượng nghiệm thu hoàn thành đến quý II/2021 đã xuất hóa đơn nhưng chưa được thanh toán); đồng thời, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp thời điểm từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021 cho tất cả các doanh nghiệp xây dựng.

VACC đề xuất, các khoản vay ngân hàng phục vụ cho công trường, dự án nhưng phải dừng thi công do giãn cách chống dịch được tính lãi suất 0%; hoãn nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021; đồng thời có phương án giảm giá thuê đất đặc biệt đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất.

Đặc biệt, VACC đề nghị Bộ Xây dựng yêu cầu các Sở Xây dựng địa phương cập nhật kịp thời, chính xác đơn giá vật liệu xây dựng để áp dụng cho công trình dùng vốn ngân sách; có được đơn giá chính xác, phù hợp tránh làm thiệt thòi cho các nhà thầu xây dựng./.

Phương Uyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved