“Bộ tứ mở rộng”, gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và mời thêm 3 quốc gia khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand – một sáng kiến mới của Mỹ.
Dù chưa lên tiếng, nhưng nếu Việt Nam tham gia “bộ tứ kim cương”, sẽ có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, song đối mặt không ít thách thức.
Cơ hội từ sáng kiến
Nhà nghiên cứu Dhruva Jaishankar, thuộc Viện Brookings Ấn Độ quả quyết “Bộ tứ kim cương” sẽ không trở thành NATO của Châu Á. Ấn Độ không phải đồng minh của Mỹ và cũng sẽ không trở thành đồng minh. Đây là sự phối hợp sâu rộng hơn của 4 cường quốc hàng hải tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đảm bảo an ninh lớn hơn cho khu vực”.
Như vậy, nhiều khả năng đây là cơ chế hợp tác “không Hiệp ước”, nhằm khai thác lợi thế kinh tế sẵn có, tạo lập hòa bình, ổn định khu vực, khiến Trung Quốc trỗi dậy hòa bình. Tuy nhiên, mục đích thiết thực nhất lúc này là đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm dần phụ thuộc vào Trung Quốc.
Điểm chung của các nước được mời tham gia “Bộ tứ kim cương” đều là những quốc gia được đánh giá cao về ứng phó với COVID-19. Bởi lẽ, ngoài việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, còn xoay quanh việc chia sẻ các công nghệ để chống dịch như nghiên cứu vaccine, sản xuất thiết bị, phương pháp phòng ngừa dịch bệnh…
Trong khi đó, mức độ thuận lợi của con đường giao thương tại Châu Á phụ thuộc vào mức độ bình yên hay biến động tại Biển Đông hay eo biển Malacca. Từ vài thập kỷ nay, Châu Á đã hưởng lợi từ trật tự do Mỹ tạo ra, nhưng nay có quy cơ bị phá vỡ. Do đó, bộ tứ kim cương được kỳ vọng sẽ góp phần khôi phục lại trật tự này.
Bất đồng nội bộ cần hóa giải
Châu Âu đã từng tìm cách thoát khỏi phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc, nhưng không thể. Bởi vì, hàng trăm năm nay Châu Âu sống dựa vào con đường tơ lụa xuyên Á – Âu. Nỗ lực dịch chuyển sản xuất về Bắc Phi hay Đông Âu đều thất bại vì những khu vực này không có lợi thế về lao động, công nghệ, tài nguyên như Trung Quốc.
Từ những năm 90, khi nhiều quốc gia đang loay hoay mở cửa, thì Bắc Kinh đã biết cách cung cấp nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp quốc tế. Từ năm 2013, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ trở thành quốc gia có hoạt động thương mại lớn nhất thế giới và trở thành nền kinh tế năng động nhất thế giới. Đây là điểm cộng mà những quốc gia khác còn thiếu.
Bản thân các chiến lược riêng rẽ của những thành viên trong “Bộ tứ kim cương” cũng không ăn khớp nhau. Ấn Độ không quan tâm nhiều đến tự do hàng hải và hàng không. Trong khi nhiều chính trị gia thuộc phe chủ hòa ở Australia mong muốn xem xét lại quan hệ đồng minh với Mỹ và coi đó là gánh nặng chiến lược. Nội bộ Australia cũng tồn tại nhiều lợi ích kinh tế với Trung Quốc và những lợi ích này khó lòng bị hy sinh.
Không loại trừ, thông qua nhóm “Bộ tứ” và “Bộ tứ mở rộng”, Mỹ san sẻ bớt nhiệm vụ đảm bảo an toàn, ổn định ở Châu Á – Thái Bình Dương, cựu Tổng thống Obama và cả ông Trump đều mong muốn như vậy.
Dù sao ở Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn có lợi thế lớn, ngoài tầm ảnh hưởng là một cường quốc, hàng ngàn tỷ USD từ Bắc Kinh đã chi ra, đầu tư khắp nơi, quyền lực “mềm” của họ không thể bị đánh bật trong một sớm một chiều.