Sáng ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Y tế về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành, nhất là trong hoàn cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường…Cùng tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nghe báo cáo tình hình cập nhật dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra ở nước ta, bàn các giải pháp cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới, nhất là chuẩn bị cho các kịch bản, tình huống có thể xảy ra, công tác xét nghiệm diện rộng và tiêm vaccine cho nhân dân.

Những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ đã dành quan tâm đặc biệt tới công tác phòng chống dịch, liên tục có các chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với ngành Y tế và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đi kiểm tra trên thực địa công tác phòng chống dịch tại biên giới Tây Nam, TPHCM, động viên các lực lượng y tế, công an, quân đội và các lực lượng khác trên tuyến đầu chống dịch.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, “toàn dân đang trông chờ chúng ta, lực lượng nòng cốt chống dịch”, yêu cầu các đại biểu thảo luận tập trung, chất lượng, hiệu quả, có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn để Bộ Y tế và ngành Y tế thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá 3 nội dung chính.

155

Thủ tướng làm việc với Bộ Y tế.

Thứ nhất, những thành quả nổi bật, những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của ngành trong thời gian qua, các nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan, các bài học kinh nghiệm.

Thứ hai, các giải pháp đột phá để phát triển ngành Y tế trong thời gian tới.

Thứ ba, công tác phòng chống COVID-19 thời gian qua, đề xuất các giải pháp để phòng chống dịch hiệu quả, tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới, trước mắt là chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.

Báo cáo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 và việc mua, nhập khẩu, tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, số lượng các ca mắc mới COVID-19 tại Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, tất cả các ca mắc mới đều xác định được nguồn gốc lây nhiễm là từ các ổ dịch trước đó, đã được cách ly tập trung từ trước thông qua truy vết F1.

Bên cạnh đó, có thể tiếp tục ghi nhận các ổ dịch khác trong cộng đồng tại một số địa phương khác, nhất là các địa phương có tập trung đông người trong dịp nghỉ lễ vừa qua do nguồn lây bệnh chưa phát hiện được hoặc từ nguồn nhập cảnh chưa được phát hiện.

Về năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2, ông Long cho biết, hiện ở mức gần 66.000 mẫu/ngày, trong trường hợp cần thiết có thể tăng cường công suất lên từ 1,5 đến 2 lần. Tính đến ngày 13/5, cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được trên 3 triệu mẫu tương đương gần 4 triệu người được xét nghiệm, xác định 3.710 người dương tính.

Để kịp thời đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đang sử dụng chiến lược xét nghiệm kết hợp giữa các kỹ thuật xét nghiệm khác nhau. Chỉ đạo các địa phương rà soát, bảo đảm công suất xét nghiệm trên quy mô dân số đạt tối thiểu 1.000 mẫu (đơn)/1 triệu dân/ngày; tăng cường năng lực xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh đạt tối thiểu 300 giường bệnh có 1 hệ thống xét nghiệm Realtime RT-PCR.

_BAC1418

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nêu các nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới và các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 13/5, cả nước đã triển khai tiêm được 969.730/917.600 liều vaccine phân bổ, đạt tỷ lệ 106% (vaccine cung cấp được đóng lọ 5,5-6ml, có thể tiêm tối đa 12 liều – 0,5ml mỗi liều).

Về vaccine phòng COVID-19, ông Long cho biết Bộ đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine qua nhiều kênh khác nhau, làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, đại sứ Việt Nam ở nước ngoài.

Việt Nam hiện có 4 đơn vị đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó có 2 vaccine đang trong giai đoạn thử lâm sàng ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2, nếu nghiên cứu thành công thì dự kiến năm 2022 mới có thể sản xuất, cung ứng. Bộ đã có văn bản gửi Tổ chức Y tế thế giới nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, đặt trung tâm chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Tổng số vaccine mà Việt Nam đã mua, đăng ký là khoảng 170 triệu liều, trong đó số đã ký kết, có cam kết là khoảng 110 triệu liều, tuy nhiên, chưa chắc chắn về tiến độ cung cấp do phụ thuộc vào nhà sản xuất, cung cấp vaccine. Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực tiếp cận, đàm phán với các nhà sản xuất, nhà cung ứng, các tổ chức để có thêm các nguồn vaccine cho Việt Nam.

Bộ đã có văn bản gửi Tổ chức Y tế thế giới nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, đặt trung tâm chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.