Anh-1-22

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị giao ban ngành Xây dựng

Liên quan tới việc giá thép xây dựng tăng, ảnh hưởng đến các hoạt động xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Ngày 10/5/2021, Bộ đã có Công văn số 1545/BXD-KTXD về việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng; Công văn số 1559/BXD-KTXD ngày 11/5/2021 lấy ý kiến về đánh giá tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và tăng giá thép đến các hoạt động xây dựng và giải pháp tháo gỡ.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng mạnh, nhất là vật liệu xây dựng, tác động đến đầu vào của các ngành sản xuất khác và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, Bộ Xây dựng yêu cầu Cục Quản lý Hoạt động Xây dựng, Vụ Vật liệu Xây dựng cần theo dõi, bám sát giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép xây dựng, kịp thời đưa ra những đề xuất, giải pháp phù hợp tình hình thực tiễn.

Về công tác quản lý vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển Vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực Vật liệu xây dựng”; triển khai Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng; triển khai xây dựng Chương trình phát triển Vật liệu xây không nung giai đoạn 2021 – 2030 theo Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 03/9/2020 của Chính phủ; nghiên cứu và thực hiện tổ chức lập “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”…

Về quản lý vật liệu xây dựng, Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ Xây dựng nghiêm túc triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.

gia-thep

Chỉ từ đầu năm đến nay, giá sắt thép trong nước đã tăng 40 – 50%

Theo một số chuyên gia trong ngành, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đang là “cú bồi” cho cả thị trường xây dựng và bất động sản vốn đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay.

Ghi nhận cho thấy, chỉ từ đầu năm đến nay, giá sắt thép trong nước đã tăng 40 – 50%, cũng với sắt thép, nhiều vật liệu xây dựng khác như cát, ximăng, gạch đá… cũng té nước theo mưa khiến giá thành xây dựng bị đẩy lên, đẩy nguy cơ tăng giá nhà ngay trong những tháng cuối năm nay.

Cụ thể, đối với thép tròn (dùng làm bêtông cốt thép) cuối năm 2020 có giá 13 triệu đồng/tấn thì đến nay lên tới 19 triệu đồng/tấn. Nhưng thép hình và thép tấm (xây dựng các nhà máy) còn tăng cao hơn nữa. Hồi đầu năm nay thép này có giá 15 – 16 triệu đồng/tấn thì nay đã lên tới 24 – 25 triệu đồng/tấn, tăng 66%.

Trước đà tăng phi mã của giá thép, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá mới, tránh tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá vật liệu xây dựng.

Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn như thép, trường hợp cần thiết phải công bố giá vật liệu xây dựng hằng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.

Theo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, mức giá thép tăng quá nóng cùng nhiều loại vật liệu khác cũng tăng giá đã làm tăng giá thành xây dựng, ảnh hưởng đến kế hoạch bán hàng. Chắc chắn đến quý 3 và quý 4/2021, việc tăng giá trên sẽ tác động vào giá bán các sản phẩm bất động sản.

Phương Uyên