Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại cuộc họp với các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan báo chí, truyền thông, doanh nghiệp phân phối… về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, sẽ không bao giờ có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, sẽ không bao giờ có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, chúng ta có hệ thống phân phối, hạ tầng thương mại rất mạnh, đủ đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân. Do đó, sẽ không bao giờ có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, vấn đề là phải cung cấp thông tin cụ thể, kịp thời, chính xác, trung thực đến người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 còn đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Vụ thị trường trong nước cần tổ chức hệ thống cung cấp thông tin một cách kịp thời, đầy đủ, trung thực giữa công tác điều hành của chính phủ, các bộ ngành với khâu tổ chức thực hiện tại các địa phương.

Đồng thời, cũng cần có chiều ngược lại từ địa phương lên chính phủ cùng các bộ ngành, để đảm bảo thông tin rằng, không chỉ cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân để tránh xảy ra vấn đề tâm lý bất ổn trong xã hội, mà còn đảm bảo cho khâu điều hành của chính phủ và các bộ, ngành kịp thời, đầy đủ.

“Đây là yêu cầu mà Vụ thị trường trong nước phải tính toán với Văn phòng Bộ để xây dựng hệ thống và điều hành một cách hiệu quả nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu chủ động cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động, vận hành hệ thống thương mại, phân phối, các doanh nghiệp lớn, bình ổn thị trường, cân đối cung – cầu…để doanh nghiệp và người dân yên tâm.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ thị trường trong nước chủ động cùng bàn bạc với chính quyền các địa phương xây dựng những kế hoạch, trong đó có những cam kết từ các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tại các địa phương, không chỉ thực hiện tổ chức các chương trình bình ổn cung cấp hàng hóa, mà còn cam kết không để giá cả hàng hóa bị đẩy lên cao.

“Tôi tin tưởng các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sẽ ủng hộ, bởi sự bền vững của thị trường cũng chính là lợi ích của các doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói. Nhân dịp này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị nên xây dựng những chương trình như khế ước giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương.

Bộ trưởng rất yên tâm với khả năng cung ứng hàng hóa của Hà Nội trong trường hợp cần thiết sẽ có thể đáp ứng được ngay nguồn hàng gấp 1,5 – 2 lần. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cũng cần đưa ra kịch bản cung ứng hàng hóa có tính cực đoan hơn nữa để có phương án mang tính dài hạn, nhằm đảm bảo sẽ có nguồn cung ứng từ những nguồn lực khác trong xã hội.

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị trong Bộ Công Thương gửi bản đề nghị đến các địa phương rà soát lại hệ thống cung cấp, phân phối không chỉ dừng ở vai trò là các doanh nghiệp phân phối, mà cũng phải quan tâm đến cả những vùng cung ứng nguyên liệu cũng như các sản phẩm hàng hóa, các vùng sản xuất để tạo ra sự tổng thể và toàn diện cho những kế hoạch đó.

“Có nghĩa phải đi từ gốc để có thể đánh giá về khả năng huy động những nguồn năng lực tăng cao nhằm phục vụ cho nhu cầu hàng hóa. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp tránh những hệ lụy có thể  gây thiệt hại cho nền kinh tế, người dân và bản thân doanh nghiệp”, Bộ trưởng khẳng định.

Về phía doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp thúc đẩy hình thức đặt hàng qua mạng, điện thoại và thanh toán bằng thẻ. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hy vọng các đơn vị của Bộ Công Thương, doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống phân phối…cùng sát cánh để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, để hoàn thành nhiệm vụ chung là phục vụ cho đất nước và người dân.