Chuyển tới nội dung

Bộ TN&MT kiểm tra quản lý đất đai tại hàng loạt địa phương

Bộ TN&MT vừa chấp thuận kế hoạch kiểm tra năm 2021 của các đơn vị trực thuộc, theo đó Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra việc chuyển đổi đất trồng lúa tại tại hàng loạt địa phương trên cả nước.

san-lap-dat-trai-phep-2

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có văn bản số 1009/BTNMT-TTr chấp thuận kế hoạch kiểm tra năm 2021 của các đơn vị trực thuộc bộ, theo đó Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai tại 26 tỉnh, thành phố trong năm 2021.

Theo đó, Bộ TN&MT sẽ giao Tổng Cục quản lý đất đai chủ trì kiểm tra các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại các địa  phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước ngày 1/7/2014 tại 13 tỉnh gồm: Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bình Định, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An. Việc kiểm tra sẽ tiến hành trong khoảng thời gian từ quý II đến quý IV/2021.

Ngoài ra, một số địa phương khác cũng nằm trong kế hoạch kiểm tra việc sử dụng, chuyển mục đích đất trồng lúa để thực hiện các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước 2014 gồm Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Cần Thơ, Ninh Thuận.

Đặc biệt, tại tỉnh Đồng Nai, đoàn kiểm tra sẽ làm việc thêm về nội dung việc UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị xin chuyển mục đích đất trồng lúa để thực hiện dự án Mỏ đá Thiện Tân 6 tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai và bổ sung 6.500 ha đất Khu công nghiệp vào quy hoạch các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai đến năm 2020.

anh-chup-man-hinh-2020-07-18-luc-083103-1595042857506160618421-1595066872666-1595066872667102700263

Không ít dự án tại các địa phương bị chậm, trễ do vướng về diện tích đất lúa phải chuyển đổi mục đích trong phạm vi dự án.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, tại các địa phương tồn tại tình trạng một số dự án triển khai bị chậm, trễ, dây dưa trong nhiều năm do vướng mắc liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Như tại tỉnh Đồng Nai, theo công bố của UBND tỉnh này thì trong năm 2020, Đồng Nai có khoảng 62 dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng với diện tích khoảng 114 ha, phần lớn các dự án này, nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn vốn cho dự án nhưng chỉ vì vướng một phần diện tích vào đất trồng lúa hoặc đất rừng đành phải đợi điều chỉnh quy hoạch, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mới được triển khai.

Về vấn đề chuyển đổi mục đích đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện dự án, vào năm 2019, UBND tỉnh Nam Định đã từng có nội dung kiến nghị Bộ TN&MT đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho các tỉnh, thành phố được quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên trong hạn mức Chính phủ giao về diện tích đất trồng lúa được chuyển sang đất phi nông nghiệp theo từng năm đã được ghi tại Nghị quyết của Chính phủ về phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời kỳ nhất định của tỉnh, thành phố.

Đối với vấn đề này, khi đó Bộ TM&MT cho rằng trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp được phê duyệt đã xác định chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa được chuyển mục đích sử dụng vào mục đích khác, tuy nhiên tại Khoản 1 Điều 58 Luật đất đai năm 2013 đã quy định đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ; đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa thì phải có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Theo trả lời của Bộ TN&MT đối với kiến nghị của UBND tỉnh Nam Định thì đây là quy định nhằm góp phần bảo vệ quỹ đất trồng lúa đảm bảo yêu cầu về an ninh lương thực và bảo vệ môi trường của Đảng và Nhà nước ta hiện nay theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Do đó, Bộ đã đề nghị địa phương (tỉnh Nam Định) thực hiện theo đúng phân cấp của Luật Đất đai năm 2013, tức không ủy quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đối với diện tích trên 10ha.

Hiện nay, theo các chuyên gia, việc sử dụng hợp lý, có hiệu quả đất trồng lúa, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa quản lý tốt tài nguyên cũng như vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án có đất trồng lúa sẽ là bài toán đang chờ lời giải từ Luật đất đai sửa đổi.

Lê Sáng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved