Bộ Tài chính vừa quyết định ban hành Kế hoạch hành động triển khai Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025”.
Theo đó, trong giai đoạn 2022-2025, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định về tăng vốn cho các tổ chức tín dụng có vốn nhà nước; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước; tham mưu cho Chính phủ bố trí, cấp vốn, bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, nhất là đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn về chế độ tài chính, chế độ kế toán để các tổ chức tín dụng áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) phù hợp với Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam.
Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ (trong đó có khoản nợ xấu) nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định giá khoản nợ, đảm bảo khách quan trong thẩm định giá các khoản nợ (trong đó có nợ xấu)…
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính giao thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo việc triển khai thực hiện và cụ thể hóa các nhiệm vụ theo quy định. Các đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ trước ngày 15/11 hàng năm có văn bản gửi Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính về việc tổng kết, đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ được giao.
Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính có trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp, trình Bộ có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước ngày 30/11 hàng năm về việc tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Tài chính quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo Công thương, về phía Ngân hàng Nhà nước, trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định số 1382/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.”
Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đến các đơn vị thuộc ngành ngân hàng trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” và các nội dung tại Đề án.
Trước đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) đạt trên 2,36 triệu tỉ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm ngoái. Dư nợ tín dụng BĐS hiện chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, tăng hơn so với tỉ lệ 19,9% của cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nợ xấu lĩnh vực BĐS khoảng 36.400 tỉ đồng, tăng 5% so với cuối năm ngoái.
Liên quan đến nợ xấu, chuyên gia kinh tế – TS Cấn Văn Lực nhận định nếu so với tổng dư nợ bất động sản hiện khoảng 2,36 triệu tỉ đồng thì tỉ lệ nợ xấu BĐS sẽ khoảng 1,57%, cao hơn mức nợ xấu chung là 1,5% của cả hệ thống NH. Con số này chưa đáng lo nhưng cũng phản ánh mức độ rủi ro cao hơn.
Một số chuyên gia cho rằng, số nợ xấu BĐS hơn 36.400 tỉ đồng nếu xét theo giá trị tuyệt đối thì lớn nhưng vẫn trong ngưỡng và tỉ lệ nợ xấu an toàn. Tuy nhiên, khó khăn của thị trường BĐS và các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này chỉ mới bắt đầu nên nguy cơ nợ xấu sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Tuấn Linh