Đây là thời điểm cần cài đặt một bộ lọc nhà đầu tư ngoại để có thể chọn được những nhà đầu tư thật sự có năng lực, thân thiện với môi trường…
Năm 2019, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có một số xu hướng chuyển dịch mới đáng chú ý. Về hình thức đầu tư, mua bán và sáp nhập (M&A) ngày càng chiếm tỉ trọng lớn và tốc độ tăng nhanh.
Cụ thể, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong 11 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,8 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 8.600 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại với tổng giá trị vốn góp 11,2 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 35% tổng vốn đăng ký.
Bộ này cũng thừa nhận rằng, đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,8%, 11 tháng năm 2019 chiếm 35% tổng vốn đăng ký.
Việc nhà đầu tư nước ngoài ngày càng ưa chuộng hình thức M&A là điều khá dễ hiểu. Bởi lẽ đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức này nhanh hơn, rút ngắn được thời gian hơn so với việc trực tiếp thành lập các pháp nhân mới để thực hiện dự án mới. Khi đầu tư trực tiếp, đối với các dự án có quy mô từ vài chục triệu USD trở lên, hay có quy mô sử dụng đất từ vài chục ha trở lên thường mất ít nhất một vài năm để tiến hành làm thủ tục đầu tư.
Đó là chưa kể, chi phí để đầu tư trực tiếp có nhiều khâu khó thống kê, trong khi đầu tư qua M&A thường là một gói kinh phí rõ ràng hơn, đại diện chủ đầu tư khi tiến hành M&A cũng dễ dàng báo cáo với hội đồng cổ đông, hay cấp trên có thẩm quyền phê duyệt quyết định về các khoản chi phí đối với thương vụ.
Về đối tác nước ngoài, tính đến 20/11/2019, các nhà đầu tư đến tư Hồng Kông (Trung Quốc) đứng đầu với số vốn đăng ký trên 6,8 tỷ USD; tiếp theo là Hàn Quốc 5,7 tỷ USD; Singapore 4,4 tỷ USD.
Điều đáng lưu ý ở đây là số vốn đăng kí đầu tư từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng đột biến so với những năm trước, và lần đầu tiên Hồng Kông đứng ở vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 1 năm. Với sự chuyển dịch đó, theo thống kê năm 2019, đầu tư của đối tác truyền thống là Nhật Bản chỉ đứng thứ 5.
Hai xu hướng phát sinh
Theo số liệu thống kê của WB về xu hướng dòng vốn FDI, cho thấy có sự chuyển dịch từ đầu tư vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới sang đầu tư cho mua lại & sáp nhập (M&A) từ năm 2017. Một mặt, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới giảm mạnh ở mức 15% trong năm 2018 và giảm thêm 22% trong 09 tháng đầu năm 2019.
Mặt khác, giá trị góp vốn và mua cổ phần tại các doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư nước ngoài tăng từ mức khiêm tốn 0,28 tỷ USD mỗi tháng năm 2016 lên 1,2 tỷ USD mỗi tháng trong 09 tháng đầu năm 2019.
Như vậy, sự chuyển dịch này có sự tăng tốc mạnh mẽ trong năm 2019. Mặc dù còn quá sớm để đưa ra kết luận, nhưng sự dịch chuyển này theo WB có thể phản ánh hai xu hướng phát sinh.
Suy giảm về các dự án đầu tư vào cơ sở sản xuất kinh doanh mới có thể liên quan đến môi trường toàn cầu đang xấu đi, vì vậy các nhà đầu tư quốc tế trở nên thận trọng hơn, kể cả với Việt Nam. WB cho rằng tốc độ giảm đầu tư vào cơ sở sản xuất kinh doanh mới, nếu còn tiếp diễn, có thể dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai, vì động cơ chính từ trước đến nay của nhà đầu tư vẫn là tận dụng lợi thế chi phí lao động thấp, sau đó chuyển sản phẩm ra các thị trường toàn cầu.
Còn việc tăng đầu tư cho thương vụ M&A có thể do các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm nhiều hơn đến người tiêu dùng trong nước với nhu cầu ngày càng tăng trong những năm qua. Sự quan tâm này được khuyến khích bởi chương trình cổ phần hóa và do thủ tục thuận lợi hơn so với xin cấp phép đầu tư vào cơ sở sản xuất kinh doanh mới.
Cần bộ lọc mới
Đầu tư các thương vụ M&A dự kiến có thể đem lại tác động tích cực nếu chủ sở hữu mới đem công nghệ mới đến cho các doanh nghiệp hiện tại. Nhìn vào bằng chứng, nghiên cứu cho thấy đầu tư nước ngoài vào M&A có xu hướng dẫn đến tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ở doanh nghiệp bị mua lại, trong khi đầu tư trong nước vào M&A dẫn đến giảm chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, đầu tư để mua lại có thể chỉ đơn thuần nhằm chuyển tài sản từ tay chủ sở hữu trong nước sang chủ sở hữu nước ngoài.
Phải khẳng định Việt Nam đang cần nguồn vốn FDI và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút FDI tốt hơn, nhưng điều quan trọng hơn cả là cần phải có ‘bộ lọc’ để chỉ thu nạp những nguồn vốn FDI ‘sạch’, mang tính chất lâu bền từ doanh nghiệp có tầm chứ không chạy theo FDI bằng mọi giá.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, để đánh giá toàn diện kết quả thu hút đầu tư nước ngoài năm 2019 qua kênh góp vốn mua cổ phần, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét cụ thể các thương vụ M&A lớn, điển hình trong năm vừa qua để thấy rõ mặt được và chưa được, từ đó rút ra bài học về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài giai đoạn tới.
Về vốn đầu tư tăng nhanh từ Trung Quốc và Hồng Kông, cũng cần có các nghiên cứu kỹ lưỡng để xác định là do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung và những biến động hiện nay tại Hồng Kông hay không. Bên cạnh đó việc sàng lọc dự án, định hướng thu hút các đối tác nước ngoài của Việt Nam cũng chưa được xác định rõ và thống nhất trong cả hệ thống về quản lý thu hút đầu tư nước ngoài.
Vì vậy, đây là thời điểm cần cài đặt một bộ lọc nhà đầu tư ngoại để có thể chọn được những nhà đầu tư thật sự có năng lực, thân thiện với môi trường, bởi vì đã qua thời kì trải thảm đỏ với tất cả nhà đầu tư.
PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính quốc tế, Học viện Tài chính cho rằng, thay vì thu hút FDI một cách ồ ạt, chúng ta nên chấp nhận bước chậm lại qua “bộ lọc” để đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Cùng với thảm đỏ, sự chủ động này của Việt Nam sẽ quyết định xu hướng của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới.
Theo DDDN