img-4640-enternews-1622993461

Bộ KH&ĐT dự báo, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 1,31 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản là 7,11% đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Tăng trưởng GDP 6 tháng ước đạt khoảng 5,8%

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự báo về tình hình thực hiện một số chỉ tiêu 6 tháng năm 2021. Theo đó, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 1,31 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản là 7,11% đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Trong đó, dự báo kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực.

Thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ đạt 34,85%).

Sản xuất nông nghiệp và công nghiệp tăng trưởng 3% và khoảng 7,8%. Sản lượng sản phẩm các ngành dệt may, gia dày, ô tô có mức tăng tốt. Nhưng sản lượng các sản phẩm điện tử dự báo chỉ đạt mức tăng thấp hoặc giảm.

Tiêu dùng tiếp tục xu hướng phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội dự báo tăng khoảng 7,1%. Khu vực dịch vụ dự báo tăng trưởng khoảng 5%.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự báo tiếp tục xu hướng tăng thấp (khoảng 1,6%) nhưng số vốn đăng ký mới dự báo xu hướng tăng cao (khoảng 34,8%); xu hướng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao.

Trước đó, số liệu từ 5 tháng đầu năm cho thấy dù chịu tác động từ “làn sóng COVID lần thứ tư” nhưng bức tranh nền kinh tế vẫn có nhiều gam màu tích cực. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, tăng 8,8%; xuất khẩu đạt trên 130 tỷ USD, nhập khẩu trên 131 tỷ USD, nhập siêu 0,37 tỷ USD; chỉ số CPI bình quân 5 tháng tăng 1,29% so cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước đạt gần 50% dự toán năm, tăng 15,2% so cùng kỳ…

Động lực từ khu vực công nghiệp chế biến chế tạo

Theo đánh giá từ Bộ KH&ĐT, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 được xác định là đến từ khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại…

san-xuat-cong-nghiep-5-thang-nam-2021

Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện doanh nghiệp nước ta vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn bủa vây. Tại một số khu công nghiệp của nhiều tỉnh thành trọng điểm như Bắc Giang, Bắc Ninh… dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến nền sản xuất.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 và hiện vẫn đang ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng… nơi tập trung hàng trăm ngàn công nhân nhưng đã nhanh chóng được khoanh vùng, kiểm soát. Thống kê cho thấy, hiện cả nước hiện có khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động, nguy cơ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là rất lớn. Điều quan trọng nhất đặt ra là không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất của nước ta.

Do đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch COVID-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021”.