Bỏ hay giữ kỳ thi THPT quốc gia không phải muốn là làm được ngay vì nó là chuyện hệ trọng, liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó phải cân nhắc đến vấn đề luật và nguồn lực quốc gia.
Đã bước sang gần giữa tháng 4, quỹ thời gian dành cho năm học 2019-2020 không còn nhiều nữa. Vì thế, đã có nhiều ý kiến đề xuất ngành giáo dục cần tính đến phương án xấu nhất là bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay.
Việc bỏ hay giữ kỳ thi THPT quốc gia 2020 do dịch COVID-19 kéo dài đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận và không biết đến khi nào mới dứt.
Thực tế, học sinh các cấp trên toàn quốc đã nghỉ học tránh dịch COVID-19 từ trước Tết nguyên đán đến nay, thời gian đã hơn hai tháng. Bộ Giáo dục đã hai lần điều chỉnh khung thời gian kế hoạch năm học với cách thức thi THPT đủ 9 môn như mọi năm. Kế hoạch học online, học qua truyền hình cũng đã được triển khai… nhằm giúp các em học sinh nắm kiến thức, kịp chương trình.
Đến thời điểm này, theo đánh giá của nhiều người thì phương thức dạy và học online chỉ là giải pháp tình thế và nó cũng tồn tại nhiều bất cập như: Việt Nam chưa có một phần mềm học trực tuyến nào đúng nghĩa và thực sự ổn định; Không phải ai cũng đủ điều kiện để lắp mạng và đầu tư thiết bị; Không phải ai cũng tiếp cận được việc học trực tuyến; Internet luôn có hai mặt..v..v.
Trong khi, khoảng thời gian học sinh đi học lại để hoàn thành năm học là rất mù mờ bởi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, dù Việt Nam vẫn đang làm tốt công tác phòng, chống dịch, nhưng không có nghĩa chúng ta chủ quan với dịch.
Hơn nữa, hiện nay rất nhiều trường Đại học xét tuyển bằng học bạ THPT. Điều này cho thấy các trường Đại học tin tưởng vào chất lượng giảng dạy, kết quả đánh giá của các trường THPT.
Tuy nhiên, bỏ hay giữ kỳ thi THPT quốc gia không phải muốn là làm được ngay vì nó là chuyện hệ trọng, liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó phải cân nhắc đến vấn đề luật và nguồn lực quốc gia.
Luật Giáo dục năm 2019, học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Cũng theo quy định của pháp luật, học sinh phải tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện được tham gia xét tuyển vào Đại học. Nói một cách khác, học sinh muốn được lên đại học trước hết phải thỏa mãn điều kiện tốt nghiệp THPT và muốn được cấp bằng tốt nghiệp THPT phải tham dự kỳ thi (hiện nay là kỳ thi THPT quốc gia).
TS Phan Hồng Hải – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nói: “Muốn bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm nay phải sửa luật. Việc này do Quốc hội quyết và trải qua quá trình sửa đổi, bổ sung luật, nhưng với dịch bệnh hiện nay có vị lãnh đạo cho rằng “Cả nước đang bước vào một cuộc chiến tranh virus. Mọi người dân phải ứng xử như trong chiến tranh” nên cần xem xét ở tình huống đặc biệt để sửa luật”.
Mặt khác, kỳ thi THPT quốc gia có thể chưa đánh giá chính xác tuyệt đối năng lực học sinh, nhưng đó là “thành trì” cuối cùng có vai trò sàng lọc, phân hóa chất lượng học sinh, tránh tình trạng dắt nhau vào Đại học. Dựa vào đó, giữa học sinh với nhau sòng phẳng tranh tài để giành cơ hội vào các trường Đại học tốp đầu, không phải “cá mè một lứa”.
Nếu chúng ta vin vào dịch bệnh để đưa ra phán quyết theo kiểu cơ học như vậy thì đơn giản. Đó cũng là việc dễ làm của ngành giáo dục hiện nay vì trút bỏ được một gánh rất nặng. Đa số phụ huynh và học sinh chắc chắn ủng hộ vì quá “khỏe”.
Vấn đề ở chỗ, nếu quan tâm đến chất lượng giáo dục và đào tạo thì sẽ thấy vấn đề không đơn giản như thế. Khi bỏ thi THPT quốc gia và giao cho các trường/ địa phương xét công nhận tốt nghiệp bằng học bạ thì chuyện đầu tiên tức khắc sẽ xảy ra: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ rất cao, số lượng học sinh giỏi sẽ rất nhiều..v..v.
Đây chính là nguồn tuyển sinh của hơn 230 trường Đại học, là nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Mà chất lượng nguồn tuyển đã ảo ngay từ đầu vào đến vậy thì đầu ra sẽ thế nào? Hẳn chúng ta đều hình dung rõ hệ quả nghiêm trọng của nó như thế nào.
Cần nhớ, Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc từng chỉ đạo “thực hiện tinh giản nội dung nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu, chất lượng” và Bộ Giáo dục đã có những điều chỉnh lịch học và nội dung cho phù hợp với thực tiễn. Do đó, học sinh nên yên tâm ôn tập, chuẩn bị nền tảng kiến thức tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Chúng ta nên bớt tranh luận để tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng không đáng có cho học sinh.